Đây là lịch trình trong một ngày bình thường của bà mẹ phải gác lại công việc để dành thời gian cho chăm sóc con cái khi chúng bước vào tuổi “teen”:
“Buổi sáng trong nhà tôi bắt đầu như thế này: thằng bé con khóc đòi mẹ trong chiếc cũi, còn ở một căn phòng khác, đứa lớn đang cáu bẳn vì không biết mặc gì với chiếc quần legging đen. Ngay sau đó, tôi phải bế thằng nhỏ vào ghế ô tô để đưa chị lớn đi niềng răng, rồi đi tới trường học.
Chỉ vài giờ sau, tôi và thằng nhỏ lại lật đật đến đón con gái sau một buổi tập văn nghệ, rồi phóng xe đến lớp học quần vợt của con. Tắm cho đứa nhỏ đang ở tuổi tập đi của mình sau bữa tối, tôi tranh thủ cùng con gái lớn ôn tập lại bài kiểm tra quan trọng ngày mai. Sau khi dỗ dành để đứa con trai nhỏ đi ngủ, tôi sẽ thức đêm muộn để trò chuyện với con gái lớn về những lo lắng và bực bội mà nó đang gặp phải – những cảm xúc mà tôi vẫn còn nhớ rõ từ những năm tháng vị thành niên đầy khó khăn và bối rối của mình.
Ngày mai, khi chúng tôi thức dậy, quá trình này lại được lặp lại như vậy. Giữa những bộn bề ấy, tôi còn phải kiếm thêm một công việc bán thời gian để có thêm thu nhập”.
Thử thách đặc biệt của các bậc cha mẹ có con tuổi “teen”
Đối diện với những trách nhiệm mới khi làm mẹ của một đứa trẻ tuổi niên thiếu, tôi cảm thấy kính nể những phụ huynh vừa đi làm toàn thời gian và vừa đồng hành cùng những người con ở độ tuổi này, bởi nuôi dạy những đứa trẻ tuổi teen không hề đơn giản – điều mà không ai cảnh báo cho bạn khi bạn sinh con.
Những áp lực mà cha mẹ phải đối mặt trong giai đoạn sơ sinh của trẻ đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, và may mắn thay, đã có nhiều quy định và chính sách nghỉ thai sản được đặt ra để giảm bớt các gánh nặng chăm sóc gia đình, đặc biệt là đối với những người mẹ. Nhưng còn sau đó thì sao, khi mà việc cân bằng nhu cầu về cảm xúc và thể chất của những đứa con tuổi teen cũng thách thức không kém gì việc cho ăn, thay tã, chơi đùa và ru con ngủ?
Nuôi dạy những đứa trẻ tuổi teen không hề đơn giản – điều mà không ai cảnh báo cho bạn khi bạn sinh con.
Tiến sĩ Tâm lý học Gia đình Amanda Craig chia sẻ: “Chúng ta thường nghĩ rằng việc chăm sóc con cái chỉ vất vả ở những năm đầu đời, khi trẻ cần sự giúp đỡ và giám sát chặt chẽ về mọi mặt. Nhưng khi có con tuổi teen, bạn nhận ra rằng những đứa trẻ lớn hơn cũng đi kèm với những vấn đề lớn hơn”.
Theo tờ The Guardian (Anh), những áp lực vô hình này đang khiến “teen-ternity leave” (nghỉ việc để chăm con tuổi teen) trở thành một xu hướng ở nhiều quốc gia như Mỹ, Canada hay các nước Tây Âu. Ngày càng nhiều phụ huynh tìm cách tạm rời xa công việc để dành nhiều thời gian hơn cho con trong giai đoạn đầy thử thách của cuộc đời này.
Heidi R., một bà mẹ đến từ bang New Jersey, Hoa Kỳ, đã chuyển từ công việc trợ giảng tại một ngôi trường xa nhà sang công việc kế toán trực tuyến để việc nuôi dạy hai đứa con 12 và 13 tuổi được thuận tiện hơn. Cô chia sẻ: “Tôi cảm thấy việc ở bên cạnh con khi chúng trải qua những năm tháng này rất quan trọng. Tôi có thể lái xe đưa chúng đến các hoạt động, có mặt khi chúng cần tôi về mặt tinh thần và ở cạnh bên chúng trong khi vẫn làm việc tại nhà”.
Kinh nghiệm làm giáo viên trung học của Heidi cũng ảnh hưởng đến quyết định của cô. “Tôi tin rằng việc cha mẹ hiện diện và sẵn sàng hỗ trợ con trong giai đoạn tuổi teen là vô cùng quan trọng”, cô chia sẻ. Những lo ngại về hành vi bắt nạt và sức khỏe tâm lý là những lý do khiến cô tham gia tích cực hơn vào cuộc sống của con.
Có nên can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con cái?
Tầm quan trọng của việc ở bên cạnh con trong giai đoạn của những thay đổi tâm sinh lý là điều không thể chối cãi. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng có khả năng nghỉ việc để tập trung hoàn toàn vào những đứa con của mình. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần thận trọng để không kìm hãm sự tự lập của những đứa trẻ trong giai đoạn này.
Tiến sĩ Tâm lý thần kinh Sanam Hafeez, Giám đốc của Công ty Dịch vụ Tư vấn Tâm lý Tổng hợp tại Thành phố New York (Hoa Kỳ), cho rằng: Không phải phụ huynh nào cũng khả năng hay có nguyện vọng nghỉ việc. Tuy nhiên, với việc thanh thiếu niên phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ rối loạn ăn uống cho đến việc tự hại bản thân, nghỉ việc lại là điều bắt buộc đối với một số phụ huynh.
Tiến sĩ tâm lý Danielle Roeske, Phó Giám đốc dịch vụ chăm sóc tại nhà của một cơ sở điều trị tâm lý tại Hoa Kỳ giải thích rằng, việc thường xuyên kết nối với một đứa trẻ đang trong tuổi chuẩn bị trưởng thành mang lại nhiều lợi ích. Theo cô, sự hiện diện thường xuyên hơn của cha mẹ sẽ tạo nên một kết nối cảm xúc sâu sắc và cũng đóng vai trò như một biện pháp ngăn chặn những hành vi nguy hiểm có thể xảy ra với chúng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng ngoài rủi ro về tài chính khi cha mẹ rời xa sự nghiệp để tập trung vào gia đình còn có những nguy hiểm khác tiềm ẩn. Theo tiến sĩ tâm lý Roeske, một bà mẹ hoặc người cha từ bỏ công việc để tham gia sâu hơn vào cuộc sống của con có thể vô tình kìm hãm sự tự do và tính độc lập của con mình.
Cuối cùng, Tiến sĩ Craig cho rằng nếu bạn là một phụ huynh đi làm và có con tuổi teen, hãy đừng ngần ngại nói chuyện với sếp của bạn khi bạn cần một buổi chiều ở bên con mình.
Ông cho rằng: “Đôi khi chúng ta cho rằng mình không thể nghỉ ca làm này hay hoặc rời văn phòng sớm. Nhưng nếu chúng ta yêu cầu, nhiều lãnh đạo – những người cũng có con, sẽ đồng cảm với chúng ta trên cương vị là một người cha hoặc mẹ”.