Quá trình mang thai và sinh nở rất vất vả cho người mẹ. Thế nhưng, nhiều người nhanh chóng nhận ra sau khi sinh con, việc chăm sóc trẻ sơ sinh thậm chí còn vất vả hơn cả lúc mang thai. Nguyên nhân là do trẻ sơ sinh dễ quấy khóc, cơ thể mỏng manh nên lúc nào cũng cần phải bế cẩn thận.
Lúc này, nhiều người mẹ nhận ra khi mình bế con, em bé rất dễ buồn ngủ và ngủ ngon lành trên tay mình. Tuy nhiên, khi đặt em bé xuống giường, chúng giật mình tỉnh dậy ngay, còn quấy khóc.
Tại sao trẻ ngủ ngon khi được bế trên tay nhưng khi đặt xuống lại tỉnh dậy? Dưới đây là một số nguyên nhân người mẹ nên biết.
1. Trẻ sơ sinh thiếu cảm giác an toàn
Nguyên nhân đầu tiên có thể là trẻ sơ sinh thiếu cảm giác an toàn, bởi vì sau khi sinh ra, em bé chưa thể thích nghi với môi trường mới mẻ này. Em bé quen với việc ở trong bụng mẹ suốt 9 tháng 10 ngày, việc nằm một mình trên giường có thể khiến bé cảm thấy bất an.
Mẹ là người mà em bé quen thuộc nhất, khi được ôm vào lòng, chúng sẽ thấy an tâm và dễ chịu hơn khi ngủ.
Việc được bế trên tay tạo ra một cảm giác an ủi và sự gần gũi với người chăm sóc, giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn, dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
2. Vòng tay mẹ ấm áp như bụng mẹ
Trước khi chào đời, em bé vẫn nằm trong bụng mẹ, tuy có thể không nhớ được điều đó nhưng cảm giác ấy đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Vì được bao bọc trong tử cung chật chội và nước ối, sau khi chui ra ngoài, em bé cảm thấy mọi thứ xung quanh trống trải. Đó cũng là lý do vì sao trong những ngày đầu tiên em bé chào đời, người ta thường quấn chặt em bé, điều này nhằm mang lại cảm giác quen thuộc.
Em bé sơ sinh thích được bao bọc nên vòng tay của mẹ là thứ mang lại cảm giác ấy, giống như đang ở trong bụng mẹ, mang lại cảm giác rất thoải mái và dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
Khi được bế trên tay, trẻ có thể đặt tư thế thoải mái và không gặp các ràng buộc hoặc áp lực từ không gian xung quanh. Điều này giúp trẻ dễ dàng thư giãn và ngủ ngon hơn.
3. Sự kết nối với người mẹ
Khi em bé sơ sinh được bế trên tay, chúng có thể cảm nhận được sự kết nối với mẹ thông qua tiếng nói, cử chỉ và nhiệt độ cơ thể. Hơn nữa, người mẹ thường nói chuyện và tương tác với trẻ bằng cách sử dụng giọng nói êm dịu và cử chỉ nhẹ nhàng. Trẻ sẽ nghe và nhận biết tiếng nói của mẹ từ trong tử cung, việc này giúp chúng cảm thấy an toàn và thân thuộc hơn.
Khi được bế trên tay, trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được nhiệt độ ấm áp từ cơ thể người mẹ, giống như cảm giác ấm áp trong tử cung. Điều này tạo ra một môi trường thoải mái và an toàn cho trẻ.
Việc da kề da giữa trẻ và người mẹ tiếp xúc khi trẻ sơ sinh được bế trên tay có thể tạo ra một cảm giác kết nối mạnh mẽ. Trẻ có thể cảm nhận được sự gần gũi từ điều này, góp phần vào việc xây dựng mối quan hệ sâu sắc giữa trẻ và người mẹ.
Tất cả những điều này mang lại cảm giác an toàn và giúp trẻ cảm thấy yên tâm hơn khi ngủ.
Tuy nhiên, sau khi em bé chào đời được vài tháng, thói quen ôm ngủ trên tay không có lợi cho sự phát triển của trẻ. Lúc này, trẻ đã tiếp xúc với thế giới bên ngoài khá lâu, người mẹ không nên thường xuyên bế, đu đưa mà hãy cho trẻ vận động thích hợp và tự mình ngủ trên giường.
Nếu thường xuyên bế trẻ trên tay, nó sẽ hình thành thói quen xấu khiến trẻ lúc nào cũng muốn được mẹ ru ngủ như vậy. Điều này sẽ khiến người mẹ mệt mỏi, kiệt sức khi chăm con.