Đôi khi nhiều người không khỏi tự hỏi “tại sao con nhà người ta lại thông minh hơn con mình?“. Trên thực tế, mọi người đều có chỉ số IQ tương tự nhau, sự khác biệt giữa những đứa trẻ chủ yếu liên quan đến cha mẹ của chúng. Đằng sau những đứa trẻ xuất sắc là những bậc cha mẹ rất chú trọng tới việc dạy dỗ con cái.
Yang Chenyu (Trung Quốc) là người đứng đầu kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2019 đạt 730/750 điểm. Trong một cuộc phỏng vấn, mẹ của Yang Chenyu cho biết: “Bạn phải giám sát con mình phát triển những thói quen tốt trước. Quá trình này tuy khó khăn nhưng một khi đã hình thành thói quen tốt, trẻ sẽ tự giác làm mọi thứ mà không cần cha mẹ nhắc nhở“.
Trong độ tuổi trẻ từ 3 – 6 tuổi, nếu cha mẹ ở nhà chỉ biết nằm xem phim truyền hình, lướt điện thoại, chơi game mà không quan tâm đến con cái, họ sẽ tốn rất nhiều công sức nuôi dạy con sau này.
Sau khi trẻ được 3 tuổi, cha mẹ nên nói chuyện nhiều hơn với con về những chủ đề sau, càng nói nhiều, trẻ sẽ càng thông minh hơn.
Muốn giúp con thông minh, cha mẹ chăm trò chuyện mỗi ngày
1. Cùng con ôn lại chuyện cũ
Nếu muốn rèn luyện kỹ năng quan sát và trí nhớ cho trẻ, cha mẹ có thể nói chuyện với con mình nhiều hơn về việc “gợi nhớ cảnh vật”.
Ví dụ, khi nằm trên giường, chuẩn bị đi ngủ vào buổi tối, bạn có thể hỏi con: “Con ơi, hôm nay con có nhớ mẹ mặc gì không?“.
Đưa con đi chơi ở sân chơi ngoài trời vào cuối tuần, khi về đến nhà, bạn có thể hỏi con: “Con có nhớ hôm nay chúng ta chơi gì không?“.
Khi đón con sau giờ học và đi siêu thị, bạn có thể hỏi con: “Chúng ta đi siêu thị ở đâu? Trường học gần nhà hay siêu thị gần hơn?“.
Cha mẹ nói chuyện vui vẻ với con cái về nơi mình đã đến, sử dụng phương pháp gợi nhớ để tái hiện lại những cảnh vật đó trong tâm trí trẻ, mục đích rèn luyện khả năng quan sát và cải thiện trí nhớ của trẻ.
Nếu ngay từ nhỏ trẻ được rèn luyện khả năng quan sát và ghi nhớ, điều đó sẽ hỗ trợ rất tốt cho chúng khi bước vào bậc tiểu học và trung học.
2. Khuyến khích con kể lại mọi thứ
Nếu muốn phát triển kỹ năng diễn đạt, chúng ta phải tập để trẻ nói ra những suy nghĩ trong lòng.
Hôm qua con bạn đã ăn rất nhiều món ăn ngon trong ngày sinh nhật, bạn có thể hỏi: “Món ăn yêu thích của con là gì? Tại sao con thích món ăn này nhất?“.
Khi đón con sau giờ học, bạn có thể hỏi con: “Ở trường có chuyện gì vui không con? Hôm nay con đã làm gì ở trường?“.
Ở nhà có rất nhiều đồ chơi, bạn có thể hỏi: “Con thích món đồ chơi nào nhất? Tại sao con thích món đồ chơi này?“.
Một điều quan trọng là hãy để trẻ kể lại những chuyện xảy ra, nhiều trẻ chỉ thích nghe kể chuyện mà không thể kể lại. Đây là điều mà cha mẹ cần trau dồi ở con mình. Khi tạo điều kiện cho trẻ kể lại mọi thứ, biết nói ra suy nghĩ của mình, từ đó khả năng diễn đạt của trẻ được cải thiện hơn.
3. Nói chuyện về các địa điểm
Nếu muốn rèn luyện khả năng định hướng không gian cho trẻ, cha mẹ có thể nói chuyện nhiều hơn với chúng về vị trí.
“Cửa hàng bánh ngọt gần nhà mình ở đâu?“.
“Siêu thị gần nhà hơn hay hiệu sách gần nhà hơn?“.
“Hôm nay nhà mình đi công viên giải trí, cửa ra ở hướng nào con nhỉ?“.
Đôi khi cha mẹ không quan tâm đến những chi tiết này, cho rằng lớn lên trẻ sẽ biết. Tuy nhiên, có một thực tế cho thấy nhiều trẻ đã vào tiểu học, trung học cơ sở mà vẫn chưa biết đường về nhà, thậm chí còn không phân biệt được Đông, Tây, Nam, Bắc.
Vì vậy, đừng coi thường việc trau dồi không gian cho con. Nhận thức định hướng cũng sẽ rất hữu ích cho trẻ làm toán và hình học sau này.
4. Nói chuyện với con về các con số
Trẻ có nhạy cảm với toán học hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự giáo dục của cha mẹ. Cha mẹ thông minh có thể trau dồi tư duy toán học cho con ngay cả khi chỉ cần một bộ bài.
Bạn có thể chơi bài poker với con mình. Rút tất cả lá JQK ra, chỉ để lại các quân bài từ 1-10. Mỗi người lấy một quân bài. Ai nói số trên lá bài trước sẽ thắng. Sau khi trẻ nhớ các số, bạn có thể chơi các trò chơi cộng, trừ ở mức độ dễ và tăng dần độ khó.
Có rất nhiều ví dụ như vậy trong cuộc sống hằng ngày mà cha mẹ có thể tạo cho con niềm yêu thích với toán học.
“Gia đình nhà mình sống ở tầng 3, còn nhà bạn A sống ở tầng 1, vậy ở giữa có bao nhiêu tầng?“.
“Mẹ mua 6 quả táo, nhà mình có 4 người, mỗi người ăn 1 quả, vậy còn dư mấy quả“.
“Có bao nhiêu đồ chơi ô tô trong hộp đồ chơi của con?“.
Trò chuyện với trẻ bằng cách hỏi một số câu hỏi về toán học và các con số, cha mẹ đang nuôi dưỡng niềm đam mê toán học của con mình.
5. Nói chuyện nhiều với con mình
Tự nhận thức là một bước quan trọng trong quá trình tư duy của con người. Việc nâng cao khả năng tự nhận thức có thể giúp chúng ta phát hiện và khắc phục tốt hơn những hạn chế của bản thân, đồng thời nâng cao khả năng tư duy.
Nếu muốn rèn luyện khả năng tự nhận thức của trẻ, cha mẹ nên nói chuyện với con mình nhiều hơn.
“Con muốn làm nghề gì?“.
“Bạn nào thích chơi với con?“.
“Giáo viên thích điều gì ở con?“.
Thông qua các chủ đề này, trẻ có thể tập trung vào bản thân nhiều hơn. Thực tế đã chứng minh rằng, quá trình một con người trở nên xuất sắc là quá trình không ngừng hoàn thiện bản thân.
6. Nói chuyện về việc ngăn nắp
Bạn sẽ phát hiện ở đời có một kiểu người như vậy, nhà cửa tuy bừa bộn nhưng lại cảm thấy rất thoải mái. Nếu bạn nhờ họ dọn phòng, họ không biết phải dọn thế nào.
Khi còn đi học, bàn học của một số học sinh luôn gọn gàng ngăn nắp, khi muốn tìm có thể nhanh chóng lấy sách ra, trong khi bàn học của số khác luôn bừa bộn.
Điều này thực tế liên quan đến một mối quan hệ logic, một người có logic mạnh mẽ sẽ rửa bát trong khi nấu cháo, nghe tin tức trong khi ăn.
Để nâng cao khả năng tư duy và logic của trẻ, cha mẹ cần nói chuyện nhiều hơn với trẻ về việc sắp xếp, trật tự, ngăn nắp, sạch sẽ.
“Khi đi học về, con rửa tay trước hay ăn vặt trước“.
“Đồ chơi vứt lung tung trong phòng, con nên dọn như thế nào“.
“Con nên lau bàn hay lau sàn trước“.
Nuôi dưỡng tư duy và khả năng logic của trẻ để trẻ có thể làm mọi việc một cách có trật tự và ngăn nắp.
7. Nói chuyện với con về trí tưởng tượng
Việc bồi dưỡng trí tưởng tượng của trẻ cũng rất quan trọng, hãy nhìn những nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ đó, ai không có trí tưởng tượng mạnh mẽ?
Trong cuộc sống có rất nhiều quy tắc, quy định, nhưng trí tưởng tượng không bao giờ bị giới hạn. Cha mẹ có thể hỏi con mình như sau:
“Nếu con có đôi cánh, con sẽ bay đi đâu?“.
“Ước mơ sau này của con trở thành gì?“.
“Nếu trở thành cha, con sẽ là người cha như thế nào?“.
“Nếu có phép thuật, con muốn có siêu năng lực nào nhất?“.
Thông qua những nội dung trò chuyện giàu trí tưởng tượng này, trẻ sẽ ngày càng sáng tạo và yêu thích những điều mới lạ.