Phim ngắn của Sulli được ghi hình vào 4 năm trước đã lên sóng và khiến khán giả vỡ oà cảm xúc khi một lần nữa nhìn thấy hình ảnh của “đoá tuyết trắng” với vai trò là một diễn viên.
Lên sóng với tựa đề Persona: Sulli gồm hai phần tách biệt, bao gồm phim ngắn “4: Clean Island” và phim tài liệu Dear Jinri (đặt theo tên thật của Sulli là Choi Jin-ri).
Nếu như phim ngắn “Clean Island”, Sulli vào vai cô gái số 4, phải thú nhận hết mọi tội lỗi để được vào Đảo Thanh Lọc – nơi sạch sẽ nhất thế giới, đem đến cho người xem những cảm xúc giằng xé vì diễn biến nội tâm nhân vật khá phức tạp thì phim tài liệu “Dear Jinri” là phần chân thật hơn hết của cô gái ấy, một buổi phỏng vấn với những đoạn thoại chứa đầy tâm sự vô cùng xúc động của Sulli, về nỗi đơn độc thật sự của “đóa tuyết trắng” ngoài đời.
Nhưng có một điểm chung của 2 phần phim này, là sự cô đơn bủa vây, cả Sulli lẫn nhân vật “cô gái số 4”. Cuối cùng, cái kết của cả hai đều khiến người xem phải suy ngẫm, “khi một đứa trẻ sống cô đơn, đến cả gia đình cũng không thấu hiểu hoá ra lại như vậy”.
Đã bao giờ bạn tự hỏi nếu phải sống một mình trên thế giới này, không người thân, không bạn bè và không có nổi một mối quan hệ có thể tin tưởng sẽ thế nào chưa? Hẳn là phải phát cuồng lên với sự nhàm chán đó đấy chứ!
“Cô gái số 4” – nhân vật trong phim ngắn “Clean Island” – mất mẹ trong một tai nạn giao thông khi còn bé. Đó là người thân duy nhất trên đời mà cô có. Sống sót đương nhiên là điều tốt nhưng sống một mình thì không ổn chút nào.
Cứ thế lớn lên và nhốt mình trong “lồng giam” 4 bức tường cùng với một người bạn đặc biệt chú lợn được đánh số cùng tên. Để đến khi có cơ hội thoát ra khỏi sự cô đơn đè nén này, cô gái đã nhận lấy danh tính của chú lợn và bắt đầu cuộc hành trình mới. Một sự đánh đổi bất chấp cái giá phải trả để bước ra khỏi ngục tù kia.
Ngoài hiện thực, cũng có biết bao đứa trẻ lớn lên với nỗi cô đơn không gia đình, không bạn bè chỉ vì tính cách có phần khác biệt. Khi phần khác lạ trong con người không ai có thể chia sẻ, thấu hiểu sẽ hình thành nên lối sống cô độc. Cũng giống như cách mà “cô gái số 4” miêu tả cuộc đời mình “Liệu tôi có phải đang sống hay không?”, dù cô vẫn hít thở, vẫn vẽ, vẫn trò chuyện nhưng lại không cảm nhận được sức sống nảy nở từ bên trong. Để đến khi không thể chịu được nữa, đa số họ sẽ chọn cách giải thoát tiêu cực.
Sulli cũng có điểm tương đồng với nhân vật “cô gái số 4”, đó là một cuộc sống khắc nghiệt trong ngành công nghiệp giải trí: Không được nói thật, không nhận được sự sẻ chia từ bất cứ ai ngay cả gia đình, để đến khi kiệt sức vẫn phải giả vờ là mình ổn trước ống kính. Những điều này, Sulli chọn giãi bày hết tâm can trong buổi phỏng vấn cuối cùng – một sự cô đơn đến cùng cực.
Trong suốt những năm tháng làm thần tượng, Sulli đã tự gặm nhấm nỗi cô đơn. Được hỏi rằng “khi bạn cần mẹ là lúc nào?”, Sulli đã lặng người một lúc lâu mới có thể trả lời là khi cô băn khoăn với những quyết định trong cuộc sống. Dù mẹ là người có thể cảm thông với phần kỳ cục của con người cô, nhưng nó chỉ chiếm một phần.
Sulli bộc bạch lần đầu tiên cô được tự đưa ra quyết định: Một là tìm nhà trị liệu tâm lý, hai là việc hẹn hò với một ai đó. Điều đó khiến cô vui vẻ nhưng dường như mẹ lại như đang bảo cô đừng có vui mừng. Đến cuối cùng, Sulli không còn nghe lời mẹ nữa và sống theo ý mình. Ký ức về bố cũng không nhiều, chỉ còn đọng lại hình ảnh bố nằm nghiêng xem tivi.
Trong từng lời kể của Sulli về người thân, ai cũng cảm nhận được sự cô đơn, không tìm được một người thấu hiểu. Cô gái trẻ đang cố tỏ ra mạnh mẽ, có thể đứng dậy và vượt qua những sóng gió… nhưng không giấu được nét vỡ vụn từ ánh mắt, cử chỉ lẫn cách biểu lộ cảm xúc khi giao tiếp. Đó cũng chính là những điểm tương đồng giữa Sulli và những người trẻ lớn lên từ gia đình thiếu kết nối, luôn cảm giác không có chỗ để tựa vào (về mặt tinh thần).
Có một lần, đồng nghiệp của bố Sulli tặng cô món quà là một con búp bê. Dù rất vui khi nhận được quà đắt tiền nhưng Sulli lại vặt hết cổ, tay, chân, thậm chí còn tô hết màu đỏ lên thân búp bê. Thay vì hỏi xem tại sao con gái lại hành động như vậy, mẹ lại chọn không bao giờ mua búp bê cho cô nữa.
Cũng có rất nhiều phụ huynh ngoài kia rất khó đồng cảm, thấu hiểu với con của mình chỉ vì suy nghĩ hay hành động của tụi trẻ không giống “người bình thường”. Người lớn thường áp đặt cách sống của họ xuống con trẻ nhưng lại không chấp nhận chúng được sống theo cách mà chúng muốn, chỉ vì lý do muôn thuở “muốn tốt cho con”.
Đôi khi chỉ vì không thể chấp nhận phần khác lạ trong chính đứa con của mình, đã vô tình đẩy đứa trẻ khép mình lại, không muốn chia sẻ cùng ba mẹ hay bất cứ ai. Thà chọn cách sống cô độc còn hơn sự chỉ trích từ những người mình yêu thương nhất. Để rồi đến một ngày, nỗi cô đơn bủa vây trong khắp tâm hồn đó, sẽ dần ăn mòn đi sự sống của một người!