Ai ai cũng mong muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Thế nhưng để nuôi dạy con ngoan, con thông minh không phải là công việc đơn giản và dễ dàng. Bởi ngoài tình yêu thương của cha mẹ còn cần sự sáng suốt, khéo léo để giúp con trưởng thành và độc lập. Nhưng hiện nay có rất nhiều ba mẹ nuôi dạy con bằng tình yêu mù quáng và mắc phải những sai lầm, thậm chí gây ảnh hưởng xấu tới sự hình thành nhân cách và phát triển lâu dài của con trẻ. Bài viết dưới đây là những quan điểm nuôi dạy trẻ sai lầm nhất mà rất nhiều ba mẹ đang mắc phải.
Tự quyết định thay con
Các bậc cha mẹ đa phần giống nhau, đều có xu hướng tự quyết định mọi thứ thay con, liên tục nhắc nhở và chỉ đạo con phải làm gì và cần làm gì. Việc tự quyết định mọi thứ, không quan tâm đến mong muốn của trẻ sẽ làm cho trẻ sẽ không học được cách quản lý cảm xúc của mình, trẻ không có không gian để phát triển, khó thích nghi xã hội, kết bạn và kiểm soát hành vi. Trẻ không thể giải quyết vấn đề, luôn cần ai đó giúp đỡ và không thể tự tìm cho mình một vị trí, chỗ đứng trong xã hội bởi chính con cũng không biết con muốn gì và cần phải làm gì.
Khi nhận thấy trẻ có biểu hiện như trên, cha mẹ cần nhìn nhận lại phương pháp dạy của mình. Nếu con có khả năng tự xử lý tình huống mà không cần sự can thiệp của người lớn, hãy để trẻ có cơ hội được thực hiện và tự quyết định. Cha mẹ hãy đứng ở phía sau và đóng vai trò là người hỗ trợ, đóng góp ý kiến và cùng bé giải quyết vấn đề chứ không phải làm thay con và điều phối con làm theo ý mình.
Làm giúp con quá nhiều việc
Thông thường, ở độ tuổi 2-3 tuổi trẻ đã có thể tự mặc quần áo, rửa chén bát, và cho quần áo bẩn vào trong máy giặt. Nhưng nhiều khi ba mẹ lại quên điều này và vẫn cứ tiếp tục làm hộ con mọi việc. Vì trong mắt ba mẹ thì con còn quá bé và không thể nào tự làm mọi việc được nên họ luôn muốn làm thay con.
Hậu quả là trẻ tuy lớn lên về mặt thể xác nhưng tâm lý, cảm xúc thì vẫn còn nhỏ. Con không còn muốn giúp đỡ cha mẹ nữa, mọi việc đều ỷ lại vào người lớn, dẫn đến việc trẻ không thể tự lập và tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Trẻ cũng không thể xây dựng các mối quan hệ lành mạnh vì trẻ chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, không thể tự đưa ra quyết định dẫn đến xung đột, mâu thuẫn phát sinh. Việc đơn giản ba mẹ cần làm giờ là hãy để trẻ được tự làm càng nhiều việc càng tốt, bằng chính khả năng của trẻ.
Thường xuyên tranh cãi trước mặt con
Ba mẹ thường xuyên tranh cãi có phải luôn xấu? Thực ra, trong cuộc sống, không thể tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm nuôi dạy trẻ và dễ dẫn đến cãi cọ. Tuy nhiên, việc tranh cãi trước mặt con là không nên vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến tâm thần kinh của trẻ và những thành công trong cuộc sống cũng như mối quan hệ, tình cảm trong tương lai của trẻ sau này.
Khi bố mẹ cãi nhau liên tục trước mặt con sẽ vô tình khiến cho trẻ nghĩ rằng mình thật đáng trách, tại vì mình mà ba mẹ cãi nhau, mình đã phạm tội lỗi nào đó. Khi trưởng thành, bé gái sẽ luôn phải cố tỏ ra mạnh mẽ, còn các bé trai có xu hướng lặp lại những hành vi như bố đã từng làm. Ngoài ra, chứng kiến những cuộc cãi vã thường xuyên của người lớn khiến trẻ tự hiểu rằng những gì con làm là xấu và có thể phát sinh các vấn đề tệ nạn sau này.
Đánh phạt con bằng đòn roi
Rất nhiều gia đình sử dụng đòn roi như một phương pháp để răn dạy con cái. Khi cuộc đối thoại không thể tìm được một hướng đi chung và khi ba mẹ không thể kiểm soát được cảm xúc của mình, thì những dồn nén sẽ bộc phát ra thành hành động. Khi con thường xuyên có những hành vi sai trái và lệch chuẩn, cha mẹ thường sẽ không biết phải làm gì. Cha mẹ sẽ bị rơi vào những suy nghĩ tiêu cực đó là “Chỉ có bạo lực mới có thể đủ tính răn đe. Đòn roi có thể sẽ là một giải pháp tạm thời trong việc bảo vệ con khỏi những tác động xấu. Nhưng nó sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề gì trong việc nâng cao nhận thức về hành vi cho con trẻ.
Trẻ con sẽ thường quan sát những hành động của cha mẹ để học theo, trẻ sẽ khó tiếp thu và đi ngược lại những kỳ vọng của cha mẹ nếu cha mẹ chỉ sử dụng lời nói. Nếu bạn đánh đòn con mình vì xô xát giữa anh chị em trong gia đình, thì dường như bạn đang gửi một thông điệp “độc hại” đến con mình. Khiến những con rơi vào trạng thái mặc cảm và phát sinh những suy nghĩ tiêu cực khi chúng nghĩ rằng bản thân không xứng đáng được đối xử tôn trọng. Ngoài ra trẻ thường xuyên bị đánh mắng còn có thể có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh ung thư, bệnh tim và hen suyễn. Vì vậy, trước khi đánh con, cha mẹ hãy đọc lại một lần nữa những rủi ro này.
La hét, quát mắng con thường xuyên
Nhà có trẻ nhỏ chắc chắn sẽ không tránh khỏi những lúc cha mẹ phải bực bội, cáu giận. La hét, quát mắng con giống như một cách để người lớn thoát khỏi cơn giận đang bốc lên ngùn ngụt ấy. Một số phụ huynh cho rằng la hét là một cách tốt để giải quyết vấn đề ngay lúc đó. Nhưng hậu quả để lại về lâu dài thì chưa mấy ai hiểu rõ. Cha mẹ thường xuyên la hét, quát mắng có thể khiến con có những hành vi xấu hơn, dẫn đến sự lo lắng thái quá và trầm cảm, thậm chí có thể gây ra những cơn đau mãn tính ở trẻ.
Khi bạn quá tức giận với con và bạn sắp quát mắng, thậm chí đánh con, hãy đi ra chỗ khác và đợi cho đến khi bạn bình tĩnh để kỷ luật con bạn. Điều này cũng sẽ giúp bạn làm gương cho con về vấn đề kiểm soát cảm xúc và hành vi. Ba mẹ cần có thái độ nghiêm túc khi phê bình trẻ, cần chỉ bảo chúng ngay lập tức. Hãy nhìn thẳng vào mắt trẻ để mắng, những lời này sẽ đọng lại trong tâm trí trẻ. Mắng đúng cách cũng sẽ tạo động lực cho trẻ cố gắng sửa chữa lỗi sai và làm tốt hơn nữa.
Dọa nạt con một cách vô thưởng vô phạt
Dọa nạt là một quan điểm nuôi dạy trẻ, là một chiến thuật được nhiều ông bố bà mẹ áp dụng để bắt con làm theo ý mình. Tuy khá hiệu quả nhưng các chuyên gia vẫn khuyên cha mẹ nên hạn chế đem ra dùng với con. Khi sợ hãi, trẻ sẽ không thể suy nghĩ về hành vi của mình, trẻ cũng sẽ sợ cả cảnh sát, bác sĩ và bất cứ ai mà cha mẹ đem ra để dọa nạt.
Việc liên tục bị dọa nạt sẽ khiến bộ não của trẻ phản ứng nhanh với sự sợ hãi. Nếu cha mẹ lạm dụng việc dọa nạt trẻ quá nhiều, trẻ sợ hãi diễn ra trong một thời gian dài sẽ khiến bé thu mình lại với thế giới xung quanh, dẫn đến tự kỷ. Vậy nên cha mẹ hãy tìm phương pháp khác để kỷ luật con thay vì dọa nạt như vậy.
So sánh con với mọi người khác
Đã bao giờ ba mẹ đem con mình ra để so sánh với các anh chị em khác trong nhà hay bạn bè cùng lớp của con chưa. Việc so sánh con với những người khác là lúc bạn đang có lỗi với con của mình, vì cha mẹ chỉ đặt trọng tâm vào sự kỳ vọng của bản thân chứ không phải vào con. Việc so sánh con cũng vô tình tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con bởi trẻ cảm thấy không an toàn và mất niềm tin vào chính bố mẹ của mình.
Mỗi trẻ nhỏ đều có thế mạnh, tài năng và cả điểm yếu riêng biệt. Điều này tạo nên sự hòa hợp, cân bằng trong xã hội. Đôi khi ba mẹ sẽ không tránh được những lúc so sánh trẻ với người khác, nhưng hãy nói về vấn đề đó với thái độ nhẹ nhàng và lưu ý đến các thay đổi trong suy nghĩ, tâm trạng của bé để điều chỉnh cuộc nói chuyện. Cách dạy con tâm lý và đúng đắn sẽ giúp bạn nuôi dưỡng con mình tự tin và thành công trong tương lai.
Xem nhẹ cảm xúc của con
Đôi khi trẻ cảm thấy khó chịu về những điều có vẻ hơi ngớ ngẩn với người lớn, nhưng thay vì giúp đỡ, an ủi và hỗ trợ con thì cha mẹ lại đánh giá, phán xét chẳng hạn như: “Con thật xấu”, “Con trai thì không được khóc”. Đó là cách mà cha mẹ đang xem nhẹ cảm xúc của con mình.
Khi trẻ hiểu và kiểm soát cảm xúc tốt thì trẻ càng mạnh mẽ và kiên cường hơn. Khi lớn lên, con sẽ không thể và không còn muốn chia sẻ cảm xúc với người khác, luôn tìm cách kìm nén cảm xúc cho tới khi bộc phát, bùng nổ. Điều này hoàn toàn không có lợi trong đời sống cảm xúc của trẻ. Tình yêu thương là yếu tố tuyệt vời giúp nuôi dưỡng sự phát triển tính cách độc đáo của trẻ. Ngược lại, cha mẹ bỏ bê cảm xúc của con hoặc yêu thương con không đúng cách sẽ gây nên những phản ứng bất lợi cho sự phát triển tinh thần của con.
Không lắng nghe con giải thích
Ai trong chúng ta cũng mong muốn và khao khát được lắng nghe và được tin tưởng. Trẻ cũng như thế, chúng cũng cần ba mẹ và mọi người xung quanh sự tin tưởng và được lắng nghe. Vì vậy, ba mẹ nên quan sát thái độ, cảm xúc của con hàng ngày. Hãy dạy con rằng khi con cần chỗ dựa hoặc sự giúp đỡ thì phải chủ động chia sẻ và cha mẹ sẽ lắng nghe cũng như đưa con thoát khỏi rắc rối đó.
Khi nói chuyện với con, bạn cần thể hiện thái độ chân thành và nghiêm túc lắng nghe. Tuyệt đối không thờ ơ, dửng dưng, nói chuyện riêng hay ngắt lời con. Hãy để con được nói hết những suy nghĩ của mình, sau đó bạn mới bày tỏ ý kiến riêng. Trong câu chuyện của con, bạn nên đáp lại con bằng cái gật đầu, mỉm cười hay nhìn về phía con. Điều này giúp con cảm nhận được bạn luôn luôn lắng nghe một cách chăm chú.
Kìm hãm sự tự do sáng tạo của trẻ
Giống như hầu hết người lớn, trẻ em thích được tự chủ, được cảm thấy rằng chúng có tiếng nói hoặc chúng có thể tự quyết định. Sáng tạo của người lớn là tạo ra cái mới, cái độc đáo, gắn với tính chủ đích, có tính bền vững và thường là kết quả của quá trình nỗ lực tìm tòi… Sự sáng tạo của trẻ em lại khác, thường bắt đầu từ sự tái tạo, bắt chước, mô phỏng… và thường không có tính chủ đích. Sự sáng tạo của trẻ em phụ thuộc nhiều vào xúc cảm, vào tình huống và thường kém bền vững.
Trẻ thường có xu hướng chống lại cha mẹ khi họ cố gắng giúp chúng làm một việc gì đó. Bởi vậy, khi trẻ muốn tự mình làm việc gì, cách tốt nhất mà các bậc phụ huynh có thể giúp con trẻ là hãy để con tự do hoàn thành việc đó. Khi trẻ sáng tạo, bé có thể cần nhiều thời gian và không gian riêng. Bố mẹ hãy giữ cho không gian yên tĩnh và tránh làm phiền con.
Ngăn cấm không cho con vui chơi
Như chúng ta đã biết, trẻ em rất dồi dào năng lượng, chúng tò mò và luôn luôn tìm kiếm những trò chơi mới. Mặc dù đôi khi việc vui chơi của trẻ đồng nghĩa với “phá phách đồ đạc” và “gây bừa bộn nhà cửa” thì chúng ta vẫn nên nhớ rằng, vui chơi là một phần cơ bản trong quá trình phát triển của trẻ. Điều này giúp trẻ phát triển các kỹ năng khác nhau và học hỏi những điều mới.
Trẻ em phát triển tốt nhất, bố mẹ nên giáo dục và khuyến khích chúng chấp nhận những thách thức thay vì cố gắng che chở chúng. Khi chúng ta cho phép con mạo hiểm, con thậm chí có thể làm người lớn ngạc nhiên với cách con phát triển của chúng khi được tin tưởng.
Đặt kỳ vọng quá cao ở con
Không có cha mẹ nào muốn con mình thất bại, và luôn hy vọng thật nhiều mong con thành công hơn. Nhưng khi những kỳ vọng ấy biến thành ảo vọng, phi thực tế thì hậu quả lại đặt lên vai con trẻ khiến con mệt mỏi và mắc chứng rối loạn như mất ngủ, hay cáu giận, lo lắng, bồn chồn và thậm chí là sợ hãi khi phải đối diện với cha mẹ mình.
Cha mẹ cần hiểu rằng, mỗi trẻ sẽ có những năng lực và sở trường riêng của mình, không có bất kỳ trẻ nào giống trẻ nào. Chúng ta không thể bắt một trẻ nhỏ thích hội họa, âm nhạc lại trở thành một bác sĩ tài hoa. Khả năng của mỗi trẻ đều có sự khác biệt nên cha mẹ cần phải tìm hiểu và biết cách phát huy tốt các tiềm lực vốn có của con trẻ thay vì cứ bắt ép con phải thực hiện theo những điều mình muốn.
Bản thân người lớn cũng chưa phải là tấm gương tốt
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con là sự tương tác qua lại, trẻ tiếp thu kiến thức và phong cách từ chính bố mẹ mình. Vậy nên nếu thấy trẻ có hành vi không đúng, thay vì chỉ chăm chăm xem con học từ đâu, hãy nhìn lại ngay chính bản thân mình. Các yếu tố bên ngoài như trường học, bạn bè và các hoạt động khác đóng góp cho sự phát triển tính cách và hành vi của trẻ, nhưng trẻ tiếp nhận và củng cố nhân cách lại ở ngay chính ngôi nhà của mình.
Trên đây là những sai lầm trong cách nuôi dạy trẻ và phương hướng nuôi dạy trẻ như thế nào để giúp trẻ có đầy đủ sự tin tin và can đảm nhất, tạo tiền đề cho những bước chân đầu tiên vào đời. Cha mẹ nên thay đổi những sai lầm để mang đến điều tốt đẹp nhất cho trẻ nhé!