Có lẽ chỉ những ai từng chăm sóc và nuôi nấng con nhỏ mới thấu hiểu việc trông nom một đứa trẻ gặp những khó khăn gì. Trẻ em được sinh ra trong thời hiện đại được bố mẹ quan tâm nhiều hơn và cũng có nhiều áp lực vô hình đặt lên vai cha mẹ. Theo chị Hy Vũ (36 tuổi, sống tại TPHCM) vừa mang thai và sinh 3 em bé cùng trứng khỏe mạnh, bình an cho biết, để một lúc chăm nhiều con cần sự nỗ lực rất nhiều từ bản thân người mẹ.
Bà mẹ 8x đang cùng lúc chăm sóc 4 em bé mà không cần sự trợ giúp của bảo mẫu. Chị Hy cho biết không ít người tò mò làm sao chị lại có thể cân một lúc nhiều công việc như vậy. Ngoài chăm con còn việc nhà, chăm sóc bản thân… và 1001 công việc không tên.
Cần chuẩn bị 2 điều gì trước khi có con?
Có rất nhiều điều cần phải sẵn sàng trước khi cặp vợ chồng quyết định có thêm thành viên mới trong gia đình. Và theo chị Hy, có 2 điều quan trọng là kinh tế và tinh thần. Nuôi một em bé cần chi phí khá lớn. Từ việc khám thai, sinh nở, quần áo, tiêm chủng, chăm sóc ốm đau, bỉm sữa… đều cần một khoản cố định hàng tháng. Vì thế, việc bố mẹ chuẩn bị trước những khoản này sẽ khiến cuộc sống đỡ bị áp lực hơn.
Ngoài ra, tinh thần cũng quan trọng, đặc biệt là người mẹ. Nhiều mẹ hiện nay dễ bị trầm cảm khi phải chăm sóc con cái trong khoảng thời gian dài, không đi làm, cảm thấy bản thân tụt hậu với bạn bè… Tuy nhiên, mẹ nên hiểu đó chỉ là 1 khoảng thời gian để bản thân lùi lại, dồn hết sức mình cho thiên chức trở thành mẹ bỉm.
“Quan trọng nhất vẫn là PHẢI CÓ KINH TẾ và TINH THẦN khi có con. Trước khi có con phải dành ra đủ tiền để nuôi và chăm con, có thể là 5 năm, hoặc ít nhất là 2 năm. Để khi có con, mình chỉ cần dành toàn bộ thời gian và tâm tư cho con. Đừng để đến khi con ra đời, lại chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền, rồi nhờ hết bên nội bên ngoại để nhờ giúp, lỡ mà không ai giúp thì lại trách móc rồi suy nghĩ, rồi trầm cảm… lại đổ lỗi tại con.
Con được sinh ra do mình mong muốn, chứ con đâu mong muốn được sinh ra để bị phải đổ lỗi đâu. Nhiều bố mẹ hay than vãn: “Tại con nên bố mẹ phải vất vả kiếm tiền, tại con mà mẹ hy sinh thời thanh xuân, biết vậy đừng đẻ con”… Nhưng con sinh ra là do bản thân mình lựa chọn, bởi vậy đừng bắt con phải gánh chịu áp lực của mình.
Thật ra cuộc sống của mỗi người đều có những vất vả, mệt mỏi riêng. Nhưng với mình thì chỉ cần ít thời gian để giải quyết vấn đề, nếu không được thì nên bỏ qua, tới đâu hay tới đó. Mình chẳng mấy khi ủ rũ, buồn sầu, tích cực vui vẻ chăm con là vì vậy”, chị Hy chia sẻ.
Cân bằng việc nhà và con cái, nên nhờ sự trợ giúp của máy móc
Để có đủ thời gian kiêm hết tất cả mọi việc trong gia đình, chị Hy Vũ đã thực hiện các cách sau:
– Rửa bát đũa có máy to chuyên dụng 14 bộ, mẹ Hy sắm thêm 1 máy nhỏ 8 bộ chỉ để sửa bình sữa, máy hút sữa hoặc ly trà, ly uống nước sạch. Rửa bằng nước nóng và nước rửa hữu cơ nên sạch bong kin kít. Lúc trước chưa dùng máy, phải rửa tay, rồi hấp bằng hơi nước, sau đó mới dùng tiệt trùng sấy khô, mất 3-4 công đoạn. Bây giờ chỉ đúng 2 công đoạn, cho máy rửa, xong cho máy sấy tiệt trùng là xong.
– Nhà đông con nên máy pha sữa bắt buộc phải có. Chiếc máy này giúp mẹ cân đong lượng nước, sữa phù hợp, không mất thời gian, đặc biệt là lúc đang vội.
– Nồi hầm áp suất bằng điện, nấu nhanh, không cần đứng canh bếp. Kể cả luộc thịt đông đá (nếu phải nấu đột xuất), chỉ cần 5 phút luộc thịt. Nấu bằng nồi này, mẹ cũng không sợ đục nước do bọt thực phẩm vì bọt kết lại thành mảng nên vớt ra dễ dàng, nước luộc trong veo.
– Với những món nướng, mình ướp sẵn, bỏ tủ lạnh, gần tới giờ ăn thì cho vào nồi chiên không dầu hoặc lò nướng, 15-20 phút quay ra có đồ ăn rồi. Hạn chế được chiên rán, tốt cho sức khoẻ
– Quần áo giặt xong cho vào máy sấy, chỉ mất công đoạn gấp đồ khô chứ không phải phơi. Đồ nhăn quá thì có máy ủi hoặc máy chăm sóc quần áo (nếu điều kiện cho phép).
– Luyện cho con tự chơi, tự ngủ, không phải tự lập hoàn toàn “kiểu quân phiệt” nhưng để con hiểu rõ tự lập là hạnh phúc.
Luôn nghĩ theo hướng tích cực để tránh bị stress
Nhiều mẹ sinh 1, có khi sinh 2, 3 con cùng lúc rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm hoặc stress, mệt mỏi khi chăm con. Theo chị Hy Vũ, một số lời khuyên sau có thể giúp đỡ các mẹ:
– Hãy tìm hiểu và đọc thật nhiều thông tin y khoa về sức khỏe và chăm sóc con trẻ. Biết tự chăm sóc bản thân hay người thân khi có bệnh cũng là 1 cách làm giảm lo lắng, tránh stress.
– Đa số các chị em stress và trầm cảm trong thời kì mang thai và nuôi con, đều do suy nghĩ quá nhiều các vấn đề liên quan tới tiền bạc, chăm sóc con cái, mối quan hệ 2 bên nội ngoại. Vậy nên, hãy chuẩn bị tinh thần thật kĩ trước khi mang thai và nuôi con, chuẩn bị đủ tài chính cho việc chăm sóc em bé 1-2 năm và nên tự chăm con để tránh bất hòa trong cách nuôi dạy con với ông bà 2 bên nội ngoại.
Nhưng vì sinh 2-3 bé, cần tới sự trợ giúp của ông bà nội ngoại, thì nên có sự giao kèo rõ ràng ngay từ ban đầu về các vấn đề chăm sóc trẻ sơ sinh, và luôn đặt rõ tiêu chí rằng ông bà chỉ là phụ giúp, còn bản thân vẫn phải tự chăm con, không phụ thuộc hoàn toàn vào bất kể ai.
– Không tự gây áp lực với chính mình về vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ. Sữa mẹ rất tốt, nhưng không có nghĩa là phải phụ thuộc 100%. Tinh thần thoải mái ắt sẽ có sữa cho con, nhiều hay ít không quan trọng, con ăn thêm sữa công thức cũng được, miễn con khoẻ, thể chất tốt, không đau ốm, bệnh nặng trong 1 năm đầu đời.
– Hãy hút sữa mẹ và cho bé ăn bình hoàn toàn, tránh cho bé ti mẹ, vì nếu lỡ bé bám hơi mẹ, thì không thể ôm hết cả 2-3 bé cùng lúc nếu bé đòi ti. Cho bé ăn bình cũng là cách để đảm bảo con được ăn đủ bữa, ăn nhanh, không tốn nhiều thời gian ôm con như khi cho bé ti mẹ.
– Thiếu ngủ cũng gây ra mệt mỏi và tạo thành stress. Tập cho bản thân những giấc ngủ ngắn nhưng sâu vào ban ngày để tranh thủ nghỉ ngơi tốt đa, giúp cơ thể luôn có đủ năng lượng để tự chăm con.
– Luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, ai nói gì không quan trọng, không để tâm tới chuyện không vui. Luôn nghĩ con là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu để coi đó là mục tiêu cho bản thân thêm cố gắng.