Con bắt đầu rơi vào sự tự cô lập, khiến cho việc chia sẻ, thấu hiểu nhau trở nên khó khăn, thậm chí đôi khi là không thể. “Cánh cửa” trái tim của con khép lại, tình yêu thương và sự quan tâm của phụ huynh cũng gần như bị trẻ từ chối, lảng tránh! Hậu quả của việc mất lòng tin không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ – con cái mà còn lan rộng đến những mối quan hệ khác của con.
Khi trẻ thiếu vắng sự tin cậy với mẹ cha, trẻ có thể trở nên e dè, mất tự tin và sợ hãi trước mỗi quyết định và mỗi mối quan hệ. Hoặc ngược lại, trong lúc tâm hồn trẻ dại mong manh, hụt hẫng, những điểm tựa không an toàn có thể được trẻ tìm đến, để rồi sau đó có thể là một tương lai nhiều rối nhiễu và tiêu cực.
Vì thế, việc xây dựng và duy trì lòng tin trong mối quan hệ gia đình cần phải trở thành nền tảng vững chắc để con cái có thể phát triển thuận lợi và toàn diện.
Không quá khó để nhận ra lòng tin từ trẻ con dành cho cha mẹ bị xô lệch, chấm dứt. Nhiều biểu hiện khác nhau xuất hiện trong cảm xúc và hành vi của trẻ. Đó có thể là sự rụt rè, ít hòa đồng, sự hồn nhiên và niềm vui có thể bị thay thế bằng nét mặt, đôi mắt nhiều buồn bã, đầy lo lắng.
Trẻ có thể trở nên ích kỷ, tỏ ra không quan tâm đến người khác, hoặc ngược lại, trẻ có thể trở nên quá phụ thuộc, không tự tin và luôn cần sự động viên, an ủi. Các biểu hiện của sự khó chịu và bất mãn có thể xuất hiện qua sự cãi vã, giận dữ, thậm chí là bạo lực.
Tất cả những biểu hiện này đều là hồi chuông cảnh báo về sự mất lòng tin và là lời kêu gọi để cha mẹ lắng nghe, hiểu và trải lòng, để khôi phục, xây dựng lại mối quan hệ gia đình.
Hãy bắt đầu bằng sự lắng nghe để tìm hiểu tâm tư của trẻ. Cha mẹ cần tạo ra một không gian an toàn và không phán xét để trẻ có thể tự do bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ và lo lắng của mình.
Đừng nghe một cách hời hợt! Hãy dùng cả sự chân thành và thiện chí, đặt mình vào vị trí của con để hiểu rõ hơn về nỗi lòng của con. Sự lắng nghe này có thể giúp trẻ cảm thấy được đồng cảm và an ủi, làm giảm bớt sự cô độc và tăng cường liên kết tình cảm gia đình.
Cha mẹ không nên chỉ trách móc mà cần phải chấp nhận và tôn trọng quan điểm, cảm xúc của con.
Hãy sửa, nếu mình sai! Phụ huynh đừng quá căng thẳng trong việc thừa nhận điều chưa tốt hoặc khuyết điểm của bản thân. Việc thẳng thắn thừa nhận với con và bắt đầu hành trình sửa lỗi không đơn thuần là để xây dựng lại niềm tin của con mà còn là tấm gương hết sức trực quan cho các con về bài học không ngừng hoàn thiện bản thân.
Song song đó, đừng quên chứng minh với các con về tình yêu gia đình thuần khiết mà phụ huynh luôn dành cho con. Những hành động cụ thể như việc dành thời gian cho nhau, tạo ra kỷ niệm vui vẻ và ý nghĩa, có thể giúp khôi phục lòng tin và tăng cường mối liên kết. Việc đặt lợi ích và hạnh phúc của con cái lên trên hết là những “chất liệu” rõ ràng để các con tin rằng, gia đình vẫn là nơi tốt nhất, an toàn nhất của mình.
Cuối cùng, cha mẹ cần kiên nhẫn, nhất quán trong hành động và lời nói của mình, sẵn sàng thay đổi, phát triển để trở thành bậc phụ huynh tốt hơn, đáp ứng nhu cầu và mong muốn của con cái. Việc này đòi hỏi phụ huynh phải thực hành sự phản tư, phản tỉnh liên tục. Và thành tựu xứng đáng chính là một gia đình có nền tảng vững chắc, một mái ấm có sự chở che mà mỗi thành viên đều muốn trở về an trú.