Chị Đặng Trần Lan (Phú Thọ) kể, một lần, được con gái đồng ý, chị sắp xếp lại khu học tập cho con. Thấy cuốn sổ nhỏ màu hồng rơi ra, tiện tay, chị Lan mở ra xem và phát hiện ra tâm lý bất ổn của cô con gái 15 tuổi.
Hằng ngày, cô bé rất ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ, tỏ ra vui vẻ, tuyệt đối không có biểu hiện gì bất thường. Tuy nhiên, khi đọc nhật ký của con, chị Lan mới tá hoả vì không ngờ, con gái chị lại viết những dòng như thế này trong nhật ký:
“Đã bao lần, khi tuyệt vọng mình tự hỏi lòng, nếu như mình tìm về “thế giới bên kia” thì sẽ như thế nào nhỉ? Chắc khi mình ngủ một giấc dài thiên thu thì còn biết gì là chán nản, buồn phiền, tuyệt vọng nữa! Sao có những lúc, mình nhìn cuộc sống thấy vui và sinh động mà lại có lúc, chẳng còn tha thiết, mơ ước gì nữa là sao ta? Mình sợ cảm giác bị hắt hủi, cô lập và bỏ rơi”…
Biết việc đọc trộm nhật ký của con gái chẳng hay ho gì nhưng vì thấy con có những suy nghĩ tiêu cực nên chị Lan cố tình đọc hết cuốn nhật ký xem con đang nghĩ gì? Thì ra, cảm xúc chán nản của cô bé bắt nguồn từ việc bị bạn thân “chơi bẩn”, nói xấu sau lưng. Cô bạn này rõ ràng biết con gái chị thích một cậu bạn lớp trên nhưng lại tìm cách tiếp cận cậu bé ấy để “nẫng tay trên”.
Là người mẹ tâm lý, chị Lan luôn gần gũi với con gái. Chị cứ nghĩ, con gái mình đang an toàn song thật chẳng ngờ, phía sau những biểu hiện bình thường ấy là những diễn tiến nội tâm không bình thường.
“Thật may là mình đã kịp thời biết được những rắc rối của con gái”, chị Lan tự nhủ và suy nghĩ cách tiếp cận để có thể giúp con vượt qua cơn khủng hoảng và từ bỏ những suy nghĩ tiêu cực.
Một mặt, chị Lan cố gắng dành nhiều thời gian bên con, trò chuyện với con nhiều hơn. Chị kể về những kỉ niệm, tình huống đến với mình thời học sinh cốt để tìm cớ thiết lập sự đồng cảm với con, tạo sự tin tưởng để con gái mở lòng hơn với mẹ, tâm sự với mẹ những rắc rối đang gặp phải.
Chị Lan còn tận dụng tối đa thời gian con không phải học bài để kéo con vào các hoạt động khác như đi xem phim, làm việc nhà, đi thăm người thân… Mặt khác, chị Lan tìm hiểu nhiều hơn kiến thức về tâm lý tuổi mới lớn, tham khảo chuyên gia cách kéo con ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, tránh tình huống “nghĩ quẩn làm liều” như nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra.
“Nhờ phát hiện kịp thời và có những cách xử lý tình huống hợp lý, con gái tôi đã có những thay đổi tích cực một cách rõ rệt. Tiếp cận các con tuổi teen, tạo được lòng tin để trở thành người đồng hành của con không hề dễ.
Mỗi đứa trẻ có một cá tính khác nhau nên cách làm bạn cùng con của phụ huynh cũng không giống nhau. Điều quan trọng là bố mẹ phải hiểu rõ tính nết của con mình để có những cách tiếp cận phù hợp”, chị Lan bày tỏ.
Theo phân tích của chuyên gia, nghĩ đến chuyện tự tử là “phần nổi của tảng băng chìm” trong thế giới nội tâm của trẻ. Nói cách khác, nếu ví thế giới nội tâm của một người như tảng băng trôi thì hành vi hướng ngoại chỉ là phần nổi, còn phần ẩn bên dưới chính là những cảm xúc, quan điểm và ước muốn sâu xa chi phối hành vi đó.
Vì thế, khi con trẻ xuất hiện suy nghĩ tiêu cực, chúng sẽ luôn cảm thấy bất an và lo lắng. Lúc này, nếu không được cha mẹ, người thân gần gũi, sẻ chia, con sẽ cảm thấy đơn độc.
Để thay đổi suy nghĩ tiêu cực, trước tiên, cha mẹ phải giúp con nhận biết ra rằng mình đang sai lệch trong suy nghĩ và cần phải định hướng lại để thay đổi bản thân, thay đổi suy nghĩ, hướng con đến với những điều tốt đẹp, tích cực.