1. Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non là gì?
Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non (emotional education) giúp trẻ xác định, hiểu rõ và quản lý cảm xúc của chính mình. Khi trẻ biết cách làm việc tốt với cảm xúc của mình, bé sẽ có khả năng thể hiện bản thân một cách hiệu quả; đặt mục tiêu tích cực và phát triển sự đồng cảm.
Tất cả những kỹ năng bé có sau khi được giáo dục cảm xúc sẽ giúp bé nhận ra và hiểu cảm xúc của người khác tốt hơn. Thông qua quá trình này, trí tuệ cảm xúc được bồi dưỡng và nâng cao.
2. Vì sao giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non lại quan trọng?
Theo National Center for Safe and Supportive Learning Environments (Mỹ) thì sự phát triển cảm xúc ảnh hưởng tích cực đến 5 khía cạnh quan trọng của sự phát triển của bé: (1) lòng tự trọng lành mạnh, (2) nhận thức xã hội, (3) quản lý cảm xúc tốt hơn, (4) dám tự đưa ra quyết định và (5) xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Những kỹ năng này thường là tiền đề cho sự thành công của trẻ trong trường học và xã hội.
Các hoạt động vui chơi thể chất thường khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc, rèn luyện các kỹ năng giải quyết vấn đề và khám phá trí tưởng tượng của mình. Tuy nhiên, sự phát triển về mặt cảm xúc cần nhiều hơn thế. Với những trẻ mầm non được giáo dục cảm xúc từ bé sẽ phân biệt được tốt – xấu, phải – trái, xây dựng sự tự tin, duy trì tâm trạng tích cực và có những mối quan hệ tốt.
Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Sau đây là hướng dẫn cách giáo dục cảm xúc cho trẻ theo từng lứa tuổi cho cha mẹ tham khảo.