Đứa trẻ nào cũng dễ bị thu hút bởi những trò chơi, chương trình hoạt hình trên tivi, iPad, điện thoại. Nhiều phụ huynh cho biết để có thêm thời gian làm việc mà không bị trẻ làm phiền, họ thường giao cho con chiếc điện thoại hay tivi là chúng có thể ngồi im đến vài tiếng đồng hồ. Không chỉ vậy, muốn yêu cầu trẻ phải rời mắt khỏi những điều hay ho trên các thiết bị điện tử là cực kỳ khó khăn.
Trong khi đó ai cũng biết xem nhiều các thiết bị điện tử tác động xấu đến trẻ như thế nào. Song nhiều cha mẹ than vãn rằng dùng đủ mọi cách cũng không biết làm thế nào để con bớt xem tivi, điện thoại. Thậm chí, nhiều gia đình vì chuyện này mà xảy ra xích mích, quát mắng, đánh đập… nhưng vẫn không mang lại kết quả như mong muốn.
Dưới đây là cách xử lý của 3 bà mẹ trong 3 tình huống cụ thể. Câu chuyện cho chúng ta thấy chỉ cần thay đổi cách nói, kết cục của câu chuyện cũng đi theo một hướng hoàn toàn khác biệt.
Bà mẹ đầu tiên: Giật lấy điện thoại và tắt luôn màn hình khi con đang chăm chú xem
Thấy cậu con trai mải mê với trò chơi điện tử mà không chịu đi làm bài tập, người mẹ lập tức ra lấy điều khiển tắt màn hình tivi. Cậu bé tỏ ra bực mình và nói: “Con xem nốt đoạn này, chỉ 1 phút thôi” nhưng bà mẹ không đoái hoài, tịch thu điều khiển và cất lên trên cao kèm theo lời khiển trách: “Cả ngày chỉ tivi, điện thoại, đã học dốt lại còn lười, cấm xem gì hết”.
Cậu bé vô cùng tức tối, nước mắt lưng tròng và nói: “Con sẽ không yêu mẹ nữa, mẹ thật là quá đáng”. Bà mẹ lúc này cũng đang trong cơn tức giận, bèn nói thêm: “Nói với mẹ như thế à, muốn ăn đòn không”. Cứ như thế, ngọn lửa tức giận thổi bùng trong hai mẹ con, khiến mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn.
Trên thực tế, không chỉ trẻ con mà người lớn cũng vậy, khi đang xem tivi, nếu ai đó bắt tắt ngay lập tức, trẻ sẽ phản kháng mạnh mẽ, vô cùng tức giận. Các chuyên gia tâm lý khuyên bố mẹ nên kiềm chế cảm xúc và cho con chuyển đổi trạng thái một cách từ từ. Hãy nói với con rằng không nên xem tivi quá lâu, sẽ có hại cho mắt, cho sức khỏe, tivi nên được tắt đi và con có thể xem vào một lúc khác. Như thế, trẻ sẽ không phản kháng mạnh mẽ.
Bà mẹ thứ 2: Chuyển hướng sự chú ý của trẻ
“Đánh lạc hướng” là một trong những phương pháp được các bậc phụ huynh sử dụng khi muốn con chú ý tới một vấn đề khác. Thấy cậu con trai đang mải mê xem hoạt hình, người mẹ mang một món đồ ra và rủ “Bin ơi, có muốn chơi với mẹ trò này không, hay cực kỳ”. Cậu bé có vẻ rất thích thú và lao vào ngay món đồ chơi. Người mẹ nhắc nhở “Nhưng mà Bin tắt tivi trước nha, rồi hai mẹ con mình cùng chơi”. Cậu bé ngoan ngoãn làm theo.
Phân tích của chuyên gia tâm lý, không nhất thiết phải lúc nào cũng mua một món đồ chơi mới, điều cốt yếu của cách làm này là chuyển sự chú ý của trẻ ra khỏi chiếc tivi đang xem. Một trò chơi, một món ăn, hay đơn giản là việc bố mẹ dành thời gian, sự tập trung tuyệt đối vào con là có thể kéo sự tập trung của trẻ sang hướng khác.
Cách làm của người mẹ này vừa nhẹ nhàng vừa khiến trẻ hứng thủ, không bị khó chịu khi phải tắt tivi. Cha mẹ thông minh nên áp dụng.
Bà mẹ thứ 3: Quy định thời gian cố định xem tivi trong ngày
Mỗi gia đình đều nên đặt ra những nguyên tắc trong việc cho con xem tivi, điện thoại. Việc quy định rõ lượng thời gian sẽ khiến cả bố mẹ và con cái được chủ động trong việc quản lý thời gian. Điều cốt lõi trong phương pháp này chính là có sự nhắc nhở nhẹ nhàng từ cha mẹ.
Cậu bé đang theo dõi một bộ phim hoạt hình rất hay thì mẹ bảo: “Con ơi, sắp hết thời gian xem tivi rồi, mình chuẩn bị tắt nhé”. Cậu bé xin thêm: “Chỉ 1 phút nữa thôi con sẽ tự tắt ạ”. Không cần mẹ nhắc tới lần thứ 2, cậu bé sau 1 phút đã vui vẻ tắt tivi và chủ động đi làm việc khác.
Theo các chuyên gia, bố mẹ có thể du di 2 phút này, nhưng sau đó phải yêu cầu con tắt, không thêm 2 phút nào khác nữa, nếu không, trẻ sẽ quen đòi hỏi ở những lần sau.
Có thể thấy, hành động của cha mẹ quyết định rất nhiều tới tâm lý, tính cách của con trẻ. Cha mẹ nóng giận, hay cáu gắt sẽ tạo nên những đứa con khó giữ được bình tĩnh. Ngược lại, nếu cha mẹ nhẹ nhàng, kiên trì thì con ắt thay đổi theo chiều hướng tích cực. Hơn nữa, điều quan trọng nhất là cha mẹ nên dành thời gian chất lượng cho con.