Đối với những đứa trẻ, cha mẹ là cả thế giới. Chúng lúc nào cũng mong được cha mẹ chiều chuộng, yêu thương và bao bọc. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ được ngủ chung với mẹ lúc nhỏ lớn lên sẽ luôn có cảm giác an toàn, ít sợ hãi.
Tuy nhiên, việc ngủ với mẹ lâu dài cũng có thể mang lại một số tác động tiêu cực. Đầu tiên, trẻ trở nên lệ thuộc vào mẹ mình, khó tự đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc. Khi trở thành thanh thiếu niên, trẻ có thể gặp thêm nhiều vấn đề khác như khó ngủ một mình, muốn có cảm giác được tự lập. Điều này ít nhiều có tác động tới tính tự lập và tự chủ của trẻ.
Chị Lưu (sống tại Trung Quốc) có con gái tên là Chan Chan (4 tuổi). Hai mẹ con từ trước tới nay đều ngủ cùng nhau và điều đó đã trở thành một thói quen. Thế nhưng, sau khi đi học một khóa về “dạy con tự lập”, chị Lưu bất ngờ quyết định phải cho con ngủ riêng ngay lập tức. Từ tối đó, chị ép Chan Chan phải ngủ một mình và không cho phép con được sang phòng mẹ.
Những buổi tối sau đó, Chan Chan sợ hãi và liên tục gọi tên mẹ. Cô bé chạy sang phòng mẹ, nghẹn ngào nước mắt xin mẹ cho ngủ cùng. Thế nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ, những lời quát mắng, đay nghiến khiến cô bé không còn cách nào khác là phải nghe lời.
Sau ngày đầu tiên từ chối, chị Lưu thấy mắt con sưng húp vì khóc, trong lòng lo lắng nhưng vẫn quyết giữ vững lập trường của mình. Kết quả chỉ khoảng 1 tuần sau đó, Chan Chan không còn đòi ngủ cùng mẹ nữa. Nhưng điều đáng buồn là, cô bé bỗng xa cách hẳn với mẹ, tính cách thay đổi, thậm chí còn hay tỏ ra cáu gắt, khó chịu mỗi khi mẹ hỏi han.
Câu chuyện của chị Lưu khiến nhiều người mẹ bỗng giật mình, cảm thấy việc rèn luyện con không đúng cách nhất định sẽ phản tác dụng. Việc rèn ngủ cho bé phải được thực hiện một cách từ từ, bình tĩnh, nhất định phải kiên nhẫn và đồng hành cùng con. Việc người mẹ bỗng dưng lạnh lùng, tỏ vẻ khó chịu với trẻ khiến con vô cùng tủi thân, buồn bã.
Trước tình hình này, các chuyên gia cho biết, mặc dù xuất phát từ sự cứng rắn của mẹ và chỉ muốn tốt cho con nhưng kết quả lại không như mong đợi. Trên thực tế, khi trẻ đề nghị ngủ cùng mẹ, các bà mẹ không những tìm cách trả lời mà còn phải chú ý đến cách giao tiếp với trẻ. Các chuyên gia khuyên rằng, đối với những trường hợp này, các mẹ cần lưu ý những điều sau:
Đừng vội từ chối trẻ khi chúng chưa được 10 tuổi
Trước tiên, các bà mẹ phải nhận ra một điều để thay đổi thói quen phải cần quá trình và không thể làm ngay vào thời điểm đó. Ở trường hợp trên, chị Lưu có chút dứt khoát và lạnh lùng khi bắt Chan Chan thích nghi với những thay đổi mới, bất chấp sự tổn thương tâm lý của chúng. Chính vì điều này khiến Chan Chan cảm thấy mẹ không còn thương mình nữa, về lâu dài dẫn đến mối quan hệ xấu giữa mẹ và con. Ngoài ra, hành động này của chị Lưu cũng sẽ khiến đứa trẻ thờ ơ, thậm chí là phớt lờ sự tồn tại của gia đình sau khi trưởng thành.
Đáp ứng theo tính cách của trẻ
Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng tập được tính độc lập, chúng cần phải trải qua một quá trình rèn luyện rất dài, thậm chí có những đứa trẻ không thể độc lập mà luôn phải dựa dẫm vào người khác dù đã được bố mẹ rèn luyện. Vì vậy, các mẹ phải biết quan sát và xử lý mọi thứ theo tính cách của trẻ. Nếu như trẻ liên tục đeo bám mẹ thì có lẽ chúng đang không có cảm giác an toàn. Lúc này, mẹ không nên nghĩ đến việc làm cho trẻ tự lập mà phải suy nghĩ làm sao cho trẻ có cảm giác an toàn.
Nhìn chung, khi trẻ đòi ngủ cùng mẹ, điều đó không có nghĩa là chúng dựa dẫm hoặc phụ thuộc. Rất có thể đó chỉ đơn giản là một thói quen bình thường, hoặc chúng thích hơi ấm của mẹ. Đối với trường hợp này, mẹ không nên quá gay gắt hoặc lo lắng quá mức. Đến một lúc nào đó, chúng đủ tự tin và cảm giác mình đã lớn thì sẽ không còn cần đeo bám mẹ khi ngủ nữa.