Hai ấp này có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Ở ấp Nguyệt Lãng A, dân tộc thiểu số chiếm trên 58% của tổng dân số. Ở ấp Giồng Chùa, người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% tổng dân số. Bà con dân tộc thiểu số chủ yếu làm ruộng, chăn nuôi và buôn bán nhỏ lẻ. Đặc biệt, cha mẹ của các trẻ trong CLB “Khi mẹ vắng nhà” do không có đất sản xuất nên mới chọn đi làm ăn xa ở các công ty, xí nghiệp thuộc TPHCM hoặc Bình Dương. Các trẻ được cha mẹ gửi cho ông bà giữ.
Nhằm hiểu rõ hơn về hoạt động hỗ trợ trẻ em, phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua CLB Khi mẹ vắng nhà, PV Báo PNVN đã trao đổi với chị Đặng Thị Diễu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Càng Long.
+ Thưa chị, điều gì đã khiến Hội LHPN huyện Càng Long thành lập CLB “Khi mẹ vắng nhà”?
Thực trạng trẻ em bị đuối nước, bị xâm hại, bạo lực học đường xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Ở huyện cũng có xảy ra một số trường hợp, thường rơi vào những trẻ mồ côi hoặc trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa.
Để hạn chế thấp nhất tình trạng đó, vào tháng 9/2023, Hội LHPN huyện Càng Long đã thành lập CLB Khi mẹ vắng nhà ở ấp Giồng Chùa (xã Phương Thạnh) và ở ấp Nguyệt Lãng A (xã Bình Phú).
CLB “Khi mẹ vắng nhà” do cán bộ Hội cơ sở, Chi hội trưởng của từng ấp và các hội viên nòng cốt làm Ban chủ nhiệm. Mỗi CLB ở từng ấp hiện tại đang chăm sóc, quan tâm 12 trẻ mồ côi hoặc có cha mẹ đi làm ăn xa. Đa số trẻ tham gia CLB Khi mẹ vắng nhà là người Khmer. Ở ấp Giồng Chùa các trẻ khá nhỏ, trong độ tuổi từ 1-6 tuổi. Còn ở ấp Nguyệt Lãng A thì các trẻ ở trong độ tuổi từ 6-14 tuổi.
+ CLB “Khi mẹ vắng” nhà hoạt động như thế nào? Thông qua những buổi hoạt động, các trẻ học thêm được những kỹ năng gì?
CLB “Khi mẹ vắng nhà” sinh hoạt định kỳ 1 lần/quý vào ngày các em được nghỉ học. Các em sẽ đến tham gia sinh hoạt cùng với bà của mình. Bên cạnh đó, hàng ngày, Hội LHPN huyện Càng Long cũng giao cho cán bộ Hội, chi hội trưởng ở ấp quan tâm, thăm hỏi gia đình và các em. Qua đó, chúng tôi sẽ biết được các em đang thiếu hoặc cần gì để đưa ra hướng hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời. Hội cũng kết nối với trường nơi các em đang theo học để nắm thông tin kết quả học tập, hỗ trợ các em phần nào.
Trong các buổi sinh hoạt, chúng tôi truyền tải những thông tin bổ ích, giúp các em có những kiến thức cơ bản, kỹ năng sống để biết cách tự bảo vệ bản thân mình. Chúng tôi cũng giáo dục giới tính, cho các em nhận biết những hành vi xấu để phòng tránh xâm hại. CLB “Khi mẹ vắng nhà” cũng hướng dẫn các em nếu có gặp chuyện không may thì phải nói ngay với gia đình, nhà trường để xử lý.
CLB dạy các em làm việc nhà để phụ giúp ông bà và những cách làm bảo vệ môi trường, tham gia giao thông an toàn. Để tạo sự hứng thú cho các thành viên nhí trong những buổi sinh hoạt, Hội LHPN huyện cũng tổ chức trò chơi “Đáp nhanh có thưởng”. Ban chủ nhiệm sẽ hỏi lại những kiến thức vừa truyền tải xong, xem các em có nắm được hay không. Em nào trả lời đúng sẽ được tặng những món quà nho nhỏ.
+ Trong quá trình duy trì hoạt động, CLB “Khi mẹ vắng nhà” đã gặp những thuận lợi và khó khăn nào?
CLB “Khi mẹ vắng nhà” nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các trẻ và các phụ huynh tham gia cùng. Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch tổ chức thêm các hoạt động duy trì, nhân rộng CLB ở nhiều xã khác trong huyện. Do đó, có thể sẽ gặp một số khó khăn nhất định về vấn đề kinh phí, cần vận động xã hội hóa thêm.
Về lâu dài, để khắc phục khó khăn này thì Hội LHPN huyện nghĩ rằng cần tiếp tục kết nối, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ để mẹ của các em trở về địa phương làm việc, có thu nhập ổn định. Việc các mẹ đi làm ở xa như hiện tại vừa gây khó khăn trong việc quản lý hội viên, vừa ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy, chăm sóc trẻ. Cha mẹ ở gần sẽ cho trẻ đầy đủ tình yêu thương hơn.
+ Thời gian tới, Hội LHPN huyện Càng Long sẽ thực hiện những dự định nào để tiếp tục hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em và phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện?
Hội LHPN huyện Càng Long dự định sẽ đưa những trẻ là thành viên trong CLB “Khi mẹ vắng nhà” đi học bơi để rèn luyện sức khỏe, bảo vệ bản thân.
Cuối tháng 12/2023, Hội LHPN huyện Càng Long sẽ kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh để giới thiệu các ngành nghề, hợp đồng lao động, thông tin tuyển dụng. Chúng tôi cũng thông tin sự kiện này đến các chị em đang đi làm ăn xa và các chị em đang sinh sống tại địa phương. Qua đây, nếu các chị em thấy có việc làm phù hợp với nhu cầu thì sẽ đăng ký với trung tâm để được đào tạo nghề.
Tôi cũng mong muốn duy trì phiên chợ 0 đồng để phục vụ cho chị em Khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây hằng năm. Phiên chợ này không chỉ giúp các hộ khó khăn có được cái Tết đầy đủ, sung túc hơn mà còn là khởi đầu cho một năm mới tốt đẹp. Phiên chợ thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp các dân tộc gắn bó, yêu thương nhau!
+ Cảm ơn chị đã chia sẻ!