Đến bước này, mẹ đã gần như hoàn tất quá trình dạy bé đánh vần. Chỉ còn bước cuối cùng đó là ghép chữ, mẹ đọc tiếp nhé!
4. Cách dạy bé đánh vần bằng ghép chữ
Bước cuối cùng, có vai trò cốt lõi trong quá trình dạy bé đánh vần chính là dạy bé ghép chữ.
4.1 Dạy bé thứ tự đánh vần
Trong tiếng Việt, mỗi tiếng thường có 3 bộ phận: âm đầu, vần và thanh. Dạy bé đánh vần phần “vần” trước, sau đó đọc ghép “âm đầu” với “vần”. Cuối cùng là ghép với “thanh”.
Ví dụ chữ “bánh”, trước tiên bạn dạy bé đánh vần “a” + “nh” = “anh”. Sau đó nối chữ “b” (bờ) với vần “anh” ta được “banh”. Cuối cùng ghép chữ “banh” với dấu sắc ta được từ “bánh’. Lúc đầu cha mẹ dạy cho bé đánh vần với phương pháp như vậy. Sau đó, khi trẻ đã hiểu và ghi nhớ dần cách đánh vần bằng ghép chữ này, trẻ có thể tự đánh vần một mình.
4.2 Chọn từ đơn giản
Cha mẹ nên dạy bé từ những chữ cái đơn giản và từ ngữ gần gũi với bé. Đó là những chữ mà bé thường hay nói, gọi hàng ngày như “ba”, “mẹ”, cái “bàn”, cái “ghế”, cái “chén”, con “mèo”… Những từ ngữ gần gũi sẽ giúp bé dễ tưởng tượng và nhanh chóng tiếp thu hơn so với những từ ngữ xa lạ, khoa học, không thông dụng khác.
4.3 Kiên nhẫn với từ khó
Với những từ khó đánh vần như “ưu”, “ai”, “uyên”… hoặc từ quá dài mẹ không nên nôn nóng dạy bé. Khả năng phát âm của bé vẫn đang phát triển nên nếu mẹ dạy bé những từ đánh vần khó; bé sẽ cảm thấy không hứng thú với việc học. Tốt nhất, mẹ hãy cho bé làm quen với những từ ngắn, dễ nhớ, kích thích việc ham học ở bé, sau đó thì mới nâng độ khó lên.
Sau khi bé đã có thể tự ghép chữ một mình, cha mẹ có thể cho bé đọc một câu ngắn. Tiếp theo đó là đọc truyện kèm hình ảnh. Điều này sẽ làm tăng tính liên tưởng của bé hơn.
5. Lưu ý cho cha mẹ khi dạy bé đánh vần
5.1 Thời gian học ngắn và rèn luyện mỗi ngày
Thời gian dạy bé đánh vần mỗi ngày tốt nhất là từ 5 – 10 phút hoặc học ngẫu nhiên khi bé đang ở gần bảng chữ cái và ngày nào mẹ cũng dạy bé. Từ đó, bé sẽ quen dần và vui vẻ với việc học. Thời gian dạy quá lâu sẽ làm bé dễ bị chán nản, xao nhãng và không hứng thú.