Cách chế tạo nẹp khẩn cấp để sơ cứu gãy xương cẳng tay, cẳng chân cho trẻ
Khi nhận thấy các dấu hiệu trẻ bị gãy xương, ba mẹ hãy tìm các thanh cứng để làm nẹp chỗ bị gãy xương cho bé, ví dụ như gậy, thanh gỗ, bìa cứng hoặc cuộn tờ báo lại cho chắc rồi nẹp hai bên.
Nếu không có các vật cứng, bạn có thể dùng quần áo hoặc chăn mỏng quấn quanh chỗ bị thương rồi cột lại.
Hoặc bạn có thể buộc phần cơ thể bị thương của bé với phần không bị thương. Ví dụ như buộc ngón tay bị thương với ngón tay lành để cố định lại hoặc cột luôn 2 chân lại với nhau.
Chiếc nẹp nên có chiều dài hơn vết thương. Khi nẹp, bạn nên buộc chặt hai đầu của nẹp. Bạn có thể dùng dây thắt lưng, vải hoặc băng keo để buộc, sao cho phần buộc không tiếp xúc với vết thương.
Ba mẹ chú ý, không nên buộc vết thương quá chặt vì như vậy máu sẽ không thể lưu thông. Đồng thời, bạn nên thường xuyên kiểm tra vết thương của con xem có bị tái (do mất máu), sưng hoặc tê hay không. Nếu cảm thấy dây buộc quá chặt thì bạn nên nới lỏng ra một chút.
Bạn có thể kiểm tra tuần hoàn máu bằng cách so sánh màu sắc và nhiệt độ ở vùng bị nẹp và vùng không bị nẹp.
Cách sơ cứu gãy xương cho trẻ
1. Cách sơ cứu gãy xương mũi cho bé
Nếu mũi của bé chảy máu, bạn hãy cho con ngồi xuống trong tư thế người hơi nghiêng về phía trước và thở bằng miệng. Cách này để giữ cho máu ở mũi không chảy xuống cuống họng.