Dấu hiệu bé nhút nhát
Một bé nhút nhát thường có những biểu hiện không thoải mái khi tiếp xúc với người lạ hoặc khi đi đến một môi trường mới ngoài gia đình. Trẻ thường hay lo lắng, đứng nép vào góc khuất hoặc sau lưng người lớn. Bé sẽ cố gắng thu mình lại theo kiểu hy vọng không ai nhìn thấy mình, ngại giao tiếp bằng lời nói nên không thích chào hỏi hoặc tránh trả lời, tránh nhìn vào người đối diện.
Theo chuyên gia từ trung tâm phát triển tài năng trẻ em iSmartKids “việc trẻ nhút nhát trong những năm đầu đời là bình thường, là phản xạ tự nhiên trong quá trình trẻ khám phá thế giới xung quanh. Tuy nhiên nếu cha mẹ không sớm khắc phục tính nhút nhát của trẻ, việc này sẽ gây ra cản trở trong quá trình giao tiếp, trở ngại trong học tập và khiến quá trình hình thành phát triển nhân cách của trẻ có nhứng khiếm khuyết”. Vì vậy, việc các bậc cha mẹ quan tâm giúp đỡ để trẻ khắc phục nhược điểm nhút nhát, dũng cảm thể hiện bản thân là điều vô cùng quan trọng.
>> Xem thêm: Phát triển ngôn ngữ cho bé: Khả năng giao tiếp trong năm đầu đời
Nguyên nhân vì sao bé nhút nhát?
Thông thường, một đứa trẻ không bỗng dưng trở nên nhút nhát. Ba mẹ cần quan tâm và tìm hiểu nguyên nhân vì sao con mình sợ sệt những thứ rất đỗi bình thường như bác đưa thư, sấm sét hay con gấu bông dễ thương. Đó có thể là lời hù doạ từ người giúp việc mỗi lúc bé không chịu ăn thì sẽ bị “kêu ông đưa thư tới bắt đi”; “sấm sét sẽ giật chết những đứa trẻ hư” hay đơn giản chỉ là “con gấu bông này đến đêm sẽ bóp cổ những ai không vâng lời”.
Với nhận thức còn rất sơ khai cộng với trí tưởng tượng phong phú, nhiều cô, cậu bé nhút nhát còn bị tự kỷ ám thị và trở nên e dè, đề phòng mọi thứ xung quanh từ những lời dọa dẫm này.
>> Xem thêm: Các tuần khủng hoảng của trẻ (wonder weeks): Dấu hiệu và cách vượt qua
Khi bé nhút nhát sẽ bỏ lỡ điều gì?
Trẻ nhút nhát là đối tượng bị các trẻ khác bắt nạt. Khi trẻ cố tự thu mình lại, không quan tâm hay trò chuyện đối với những người khác sẽ làm cho mối quan hệ của trẻ với những bạn bè xung quanh trở nên kém đi, việc kết bạn để cùng chơi sẽ rất khó khăn. Nếu nỗi sợ này tăng lên sẽ khiến cho trẻ có xu hướng tự nhốt mình trong bốn bức tường và bỏ lỡ những cơ hội thuận lợi trong cuộc đời.