Nhiều người cho rằng trẻ nhỏ chẳng biết gì, nên hãy đợi con lớn rồi mới dạy. Tuy nhiên, tính cách và tâm lý của con lại được hình thành từ rất sớm, nếu cha mẹ có thể nắm bắt, dạy con những điều cơ bản sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn trong tương lai.
1. Kiến thức quan trọng hơn điểm số
Đã có bậc phụ huynh nào tỏ ra tức giận chỉ vì con không đạt điểm số cao, không vào được lớp chọn như mong muốn của cha mẹ? Nếu có thì cha mẹ hãy thay đổi suy nghĩ bởi không phải cứ vào lớp tốt, cứ đạt điểm số cao tức là con có kiến thức tốt. Điểm số không quan trọng bằng nguồn tri thức con có được.
2. Không làm điều gì đó chỉ vì người khác muốn
Trẻ thường rất coi trọng uy tín và sự nể phục của đám bạn, và trẻ cố gắng hết sức để có được sự tôn trọng, kính nể đó. Chính vì thế đôi khi dẫn đến hành động sai lệch nếu cha mẹ không kịp thời định hướng cho trẻ. Cha mẹ hãy dạy cho trẻ biết người trung thực, có chính kiến mới đáng được tôn trọng và kính nể, chứ không phải người làm việc và thực hiện hành động chỉ theo ý muốn của người khác, làm người khác hài lòng mới là tốt.
3. Cha mẹ là hậu phương vững chắc nhất của con
Đôi khi vì quá lo sợ những trận đòn roi, la mắng của cha mẹ mà trẻ không dám mở lời đề nghị sự giúp đỡ. Để giải quyết vấn đề này, cha mẹ hãy làm cho trẻ hiểu rằng cha mẹ luôn là hậu phương vững chắc nhất của con. Mặc dù việc trở thành bạn của con không hề dễ dàng, nhưng thay vì cáu giận, cha mẹ hãy kiềm chế và bình tĩnh lắng nghe ý kiến của trẻ. Cảm giác tin cậy sẽ giúp trẻ dễ dàng nói ra những điều khó nói nhất.
4. Đừng sợ mắc lỗi
Việc học hỏi, rút kinh nghiệm từ những sai lầm cũng là một điều nên làm. Bên cạnh đó trẻ cũng cần phải học hỏi từ thất bại của chính bản thân, trẻ không nên có tâm lý sợ thất bại, sợ sai dẫn đến thái độ e dè không dám bắt tay vào bất cứ việc gì. Cha mẹ hãy là người giúp con tự tin vào bản thân nhiều hơn.
5. Hãy nói “Không” khi cần
Trong nhiều trường hợp, nói “Không” chính là cách để bảo vệ bản thân bé. Cha mẹ không nên băn khoăn vì dạy con nói “không” là một cách giúp bé thể hiện quan điểm, lập luận cá nhân của bản thân thay vì răm rắp tuân thủ và nghe lời người khác.
Mẹ hãy dạy bé nói “không” với người lớn, thầy cô, và thậm chí chính bản thân trẻ khi thấy việc làm, lời nói nào đó không phù hợp hoặc trái với mong muốn của trẻ. Mục tiêu nuôi dạy con là giúp bé trở thành người có tính cách mạnh mẽ, độc lập, có chính kiến chứ không phải là người luôn tuân theo mệnh lệnh và sự sắp đặt của người khác. Điều này sẽ có ích cho tương lai sau này của trẻ.