Có lẽ nhiều phụ huynh sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi con của mình bắt chước thói quen xấu của bố mẹ rất nhanh, thậm chí chúng còn làm tốt hơn cả bố mẹ nữa. Từ những cử chỉ, thói quen nhỏ như cách đi đứng, cách ăn uống… cho đến lời nói hàng ngày. Đó cũng là lý do thôi thúc các bố mẹ hãy trở thành tấm gương của con trong cuộc sống.
Dưới đây là một số thói quen xấu từ bố mẹ mà trẻ dễ bắt chước nhất, cha mẹ nên thay đổi trước khi quá muộn.
1. Hay nói tục
Bố mẹ thường xuyên nói tục hoặc nói ra những điều bất lịch sự trước mặt con sẽ khiến bé hiểu rằng, nói như vậy là chẳng có gì sai trái. Ban đầu, ở những tình huống cụ thể, con sẽ phát ngôn một cách vô thức dù chưa hiểu nghĩa của từ đó, nhưng càng về sau trẻ sẽ dần biến nó thành thói quen và tự cho phép mình được nói như vậy. Về lâu dài, con sẽ khó mà thay đổi thói quen này, dùng nó để giao tiếp với người thân, bạn bè ngoài xã hội.
2. Nghiện điện thoại quá mức
Nhiều phụ huynh có thói quen sử dụng điện thoại mọi thời gian. Khi ở công ty dùng để làm việc, trao đổi, lúc về nhà lại lướt mạng, giải trí. Nếu cha mẹ suốt ngày “dán mắt” vào điện thoại mọi lúc mọi nơi, thì con cái chắc chắn sẽ học theo. Chúng sẽ hình thành tư duy rằng tại sao cha mẹ dùng được mà bản thân lại không.
Cuộc sống bận rộn khiến các bậc phụ huynh ít có thời gian chơi cùng con. Trẻ sẽ cảm thấy cô đơn, có xu hướng giải tỏa cảm xúc bằng việc chơi game, xem video trên điện thoại. Ngoài ra nhiều phụ huynh còn tạo thói quen xấu cho trẻ bằng cách đưa điện thoại cho con nghịch để trẻ không làm loạn, ngồi ngoan một chỗ. Hành động này của cha mẹ vô tình khiến con ngày càng nghiện điện thoại. Do đó, ba mẹ càng phải dành thời gian quan tâm và chơi cùng trẻ. Đừng để các thiết bị điện tử trở thành người bạn duy nhất hay là “bảo mẫu” công nghệ số của trẻ.
Thời đại công nghệ chúng ta không thể cấm trẻ sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính bảng… Tuy nhiên nếu bố mẹ trở thành tấm gương xấu, nhiều trẻ bắt chước và rồi dành sự ham mê quá mức đối với các thiết bị điện tử, thậm chí bỏ ăn, khóc ngằn ngặt để đòi chơi cho bằng được. Đến lúc đó, việc “cai” game thực sự trở thành một thử thách.
3. Hay hứa suông
Bên cạnh một số lời nói dối vô hại (với mục đích giữ gìn sức khỏe cho con) thì nhiều người lớn vẫn có thói quen nói dối trong những tình huống đơn giản hàng ngày. Ví dụ như khi con hỏi về vấn đề tế nhị, nhiều phụ huynh có thái độ lảng tránh, bảo rằng mình không biết. Hoặc đơn giản bố mẹ nhàn rỗi nhưng lại nói là bận bịu, không có thời gian đưa con đi chơi… Trẻ hoàn toàn có thể đọc được cảm xúc của bố mẹ nên nếu nhiều lần như thế, con sẽ không còn tin tưởng bạn nữa.
4. Lười biếng
Đây là vấn đề chung của hầu hết các bậc cha mẹ, bỏ qua tầm quan trọng của việc tập thể thao đối với sự phát triển của trẻ. Để trẻ lười vận động dẫn đến chậm phát triển một số kỹ năng nhất định.
Sử dụng quá lâu các thiết bị điện tử sẽ gây hại cho sự phát triển của trẻ, hệ thần kinh và não bộ, thị giác và thính giác bị kích thích mạnh, đồng thời dễ gây ra các vấn đề về phát triển xương như cột sống cổ. Hiện nay, vì công việc và nhu cầu giao tiếp, nhiều người lớn có thói quen sử dụng điện thoại kể cả khi đang chơi với con. Việc bố mẹ không tập trung sẽ gây ra sự khó chịu cho trẻ. Con sẽ thắc mắc vì sao bố mẹ không đọc sách mà lại bắt con đọc. Thế nhưng nếu cả gia đình cũng chăm chú đọc sách thì trẻ sẽ dần quen với việc này thôi.