Khi làm mẹ lần đầu, mọi thứ thật mới mẻ và lạ lẫm. Bên cạnh niềm hạnh phúc đón con chào đời, người mẹ phải đối mặt với rất nhiều sự thay đổi về tâm lý, cơ thể và làm quen với cuộc sống có thêm thành viên mới. Sẽ có lúc người mẹ cảm thấy kiệt sức, stress, rất cần sự chia sẻ từ người thân và chồng. Tuy nhiên, có những lời nói mà mẹ đang chăm con nhỏ rất sợ phải nghe, hãy cố gắng đừng nói những câu tương tự như vậy với họ.
1. Sao không tranh thủ lúc con ngủ mà ngủ đi?
Có những đứa trẻ dễ dàng để cho bạn làm việc nhà. Chúng sẽ vẫn ở đó, bất cứ nơi nào bạn mà để chúng cùng với một món đồ chơi hoặc một cuốn sách. Nhưng cũng có những đứa trẻ không chịu rời khỏi vòng tay của cha mẹ, và sẵn sàng hét to hơn cả còi báo động nếu người mẹ bị phân tâm chỉ trong một giây.
Câu nói tưởng chừng như mang đầy tính quan tâm, khuyên nhủ này thực chất lại chỉ khiến sản phụ cảm thấy khó chịu mà thôi. Bởi bất kỳ ai cũng hiểu rõ nhất nhu cầu ngủ, nghỉ của bản thân và tự biết cách sắp xếp quỹ thời gian của chính mình. Thế nhưng, trong lúc con ngủ, bà đẻ còn phải tranh thủ làm những việc khác như: sắp xếp áo quần, vệ sinh cơ thể, ăn bữa xế, chăm sóc em bé khác (nếu như đây là lần sinh thứ 2)… nên không thể ngủ được.
2. Sữa mẹ loãng, không có chất nên con không lớn được
Người mẹ nào cũng mong có nhiều sữa để cho con bú. Bởi vậy, quãng thời gian sau sinh cực kỳ vất vả khi mẹ vừa phải chăm con, vừa lích kích hút sữa 2 tiếng/ lần không kể ngày hay đêm. Dù sữa về ít hay nhiều cũng là thành quả và nỗ lực mẹ đã cố gắng hết sức. Khi ấy, ai đó nói rằng “sao trông con còi thế, chắc do sữa mẹ loãng” thì sẽ khiến người mẹ rất buồn.
Thay vào đó, hãy động viên mẹ cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, suy nghĩ tích cực để hành trình chăm con không quá căng thẳng, stress. Hãy nói với người mẹ đang chăm con nhỏ rằng, dù có sữa mẹ hay không, bạn có nhiều cách để lựa chọn việc cho con bú. Và quan trọng nhất vẫn là em bé ngoan ngoãn, khỏe mạnh, mẹ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
3. Đẻ một thể đi, đằng nào cũng tiện công nuôi
Nhiều người cũng có ý tốt, họ hỏi thế vì họ tìm thấy niềm vui tuổi già trong việc đông con, nhiều cháu. Họ thấy hạnh phúc của con mình khi “có anh, có em”. Nhưng rõ ràng chuyện con cái là chuyện rất riêng của mỗi người. Không cần đến ai phải giục, bởi nếu muốn, nếu đủ điều kiện ắt người mẹ sẽ tự nguyện đẻ mà không vì những lời nhắc nhở có vẻ tốt bụng mà khiếm nhã.
Các nhà khoa học cho rằng phụ nữ cần ít nhất 18 tháng để hồi phục và lấy lại được lượng chất dinh dưỡng cần thiết trong cơ thể đủ để mang thai và nuôi dưỡng một đứa trẻ trong bụng. Người mẹ nào cũng sợ đầu bù tóc rối, sợ loay hoay với những cơn trầm cảm hoặc những suy nhược cơ thể mà không có cách nào thoát ra. Bởi vậy, hãy khuyên nó nên sinh thêm khi bản thân họ đã thực sự sẵn sàng.
4. Sao đẻ xong mà trông vẫn như chửa mấy tháng thế kia?
Mẹ nào cũng mong sở hữu cơ thể thon gọn, đẹp đẽ. Tuy nhiên sau khi sinh, phải mất một khoảng thời gian để mọi thứ trở lại lúc ban đầu. Hơn nữa, trải qua cuộc sinh nở, cơ thể người phụ nữ chắc chắn khó mà săn chắc, hoàn hảo như thời son rỗi. Đối với họ, đó là một sự hy sinh không hề nhỏ dù rất hạnh phúc với thiên chức làm mẹ.
Hãy tôn trọng và dành lời khen cho người mẹ thay vì chê bai ngoại hình. Chia sẻ rằng đừng quá lo lắng, vóc dáng sẽ nhanh chóng được cải thiện nếu mẹ ăn uống, ngủ nghỉ và tập thể dục đều đặn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là sức khỏe của 2 mẹ con được đảm bảo. Người mẹ suy nghĩ tích cực sẽ giúp cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc hơn.