Trong một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, hình ảnh người mẹ bận bịu nấu nướng trong bếp, đứa con đang ngủ đột nhiên khóc vì thức giấc. Dù người cha ngồi gần đó nhưng bận chơi game chẳng quan tâm gì cả, hoàn toàn không nghe thấy tiếng khóc của con mình. Cuối cùng, người mẹ đành dừng việc nấu ăn lại, chạy vội về phòng dỗ con.
Tình trạng này rất phổ biến ở nhiều gia đình hiện nay, mặc dù trên danh nghĩa đứa trẻ có cha nhưng cảm giác như không có cha.
Những người cha không đúng nghĩa trong gia đình
Những ông bố kiểu này thường lấy lý do “đi làm quá bận”, “đi làm quá mệt” và “không thể chăm sóc con” để từ chối dành thời gian cho con, không muốn chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái với người mẹ.
Ngoài ra, có kiểu người cha “vắng mặt” không phải vì không muốn bày tỏ tình cảm với con mà vì đã quen yêu thương con cái theo cách họ cho là tốt nhất.
Nhà phân tâm học Li Mengchao (Trung Quốc) cho rằng: “Từ lâu, người cha đóng vai trò hỗ trợ và trụ cột trong gia đình. Họ được kỳ vọng là người thành đạt nhất trong gia đình và yêu thương con cái một cách thầm lặng, xa cách. Trong bối cảnh này, đàn ông sẽ tránh việc chủ động bày tỏ sự quan tâm, cảm xúc với con cái”.
Kiểu người cha này có 2 đặc điểm:
– Bình thường họ không can thiệp vào việc dạy con hằng ngày của người mẹ, nhưng đến một lúc nào đó họ đột nhiên khó chịu với con cái, nổi giận với con hoặc có những hành vi buộc tội khác.
– Họ tử tế với con cái của người thân hoặc bạn bè nhưng lại thiếu kiên nhẫn với chính con cái của mình.
Thực chất, họ chỉ đang đóng vai hình tượng người cha lý tưởng chứ chưa thực sự trở thành một người cha đúng nghĩa. Đối với con cái, kiểu người cha này như thể họ không thực sự là cha của mình.
Vắng sự tương tác với cha, con cái thiếu thốn tình thương
Lý thuyết phân tâm học cho rằng, dù người cha có chết hay bỏ rơi đứa trẻ khi còn nhỏ, trong thế giới nội tâm của đứa trẻ vẫn sẽ có những biểu hiện liên quan đến người cha. Vì vậy, nếu một người cha dù vẫn tồn tại trước mặt con cái nhưng lại không quan tâm tới con, điều đó ảnh hưởng tới đứa trẻ như sau:
1. Hàng loạt khủng hoảng tâm lý do khao khát tình yêu của cha
Khi người cha vô hình trong gia đình, đứa trẻ cố gắng làm cho sự hiện diện người cha trở nên tích cực. Một mặt, người cha kiểu này sẽ khiến con cái có cảm giác bị bỏ rơi, có cảm giác không được yêu thương, không nhận được sự quan tâm của cha và cứ nghĩ mình chưa đủ tốt. Mặt khác, trẻ sẽ bị ám ảnh bởi việc tìm kiếm những hình tượng nam giới khác để lấp đầy khoảng trống này.
Điều này thể hiện rõ hơn ở các cô gái. Các nhà tâm lý học tin rằng, mối quan hệ cha con tốt có thể giúp phụ nữ có được sự hiểu biết đúng đắn về tâm lý và tình dục.
Nếu không có mối quan hệ gắn bó đáng tin cậy với người cha trong thời thơ ấu, phụ nữ sẽ chú ý hơn đến việc thể hiện sự nữ tính của mình trong các mối quan hệ thân mật, luôn cố lấy lòng đối phương.
Đồng thời, do chưa hiểu rõ thực sự đàn ông trông như thế nào nên họ có xu hướng tạo ra một hình ảnh cực đoan về đàn ông. Điều này sẽ ngăn cản họ có một mối quan hệ thân mật tốt đẹp.
2. Không tách rời mẹ
Khi trẻ được 3 tuổi, chúng cần tách khỏi mẹ để hoàn thiện quá trình cá nhân hóa và hình thành tính tự lập.
Nhà phân tâm học Margaret Mahler tin rằng, quá trình này không thể tách rời sự tham gia của người cha.
Nếu người cha có thể tạo cho trẻ cảm giác an toàn, chúng sẽ có dũng khí rời xa mẹ và tích cực khám phá thế giới bên ngoài. Ngược lại, trẻ sẽ không dám chủ động khám phá vì sợ hãi và không muốn rời xa mẹ. Sau khi trưởng thành, những đứa trẻ như vậy cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi với xã hội, thường hay trốn tránh.
Bên cạnh đó, nếu cha vắng mặt, người mẹ không những phải gánh nặng trách nhiệm gia đình quá mức mà còn không nhận được chỗ dựa tinh thần. Vì vậy, người mẹ dễ trở nên phụ thuộc quá mức vào con cái và không muốn xa con.
3. Phá hủy mối quan hệ gia đình
– Ảnh hưởng tới mối quan hệ vợ chồng
Khi người mẹ quá tải trong công việc và nuôi dạy con cái, người chồng lại không muốn chia sẻ gánh nặng này, kết quả tất yếu sẽ làn rạn nứt hôn nhân. Nếu có ông bà tham gia chăm sóc con cái, ranh giới này chắc chắn sẽ bị phá vỡ, dẫn đến những mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu, điều này sẽ càng ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng.
– Ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ và con cái
Khi mối quan hệ giữa cha mẹ không tốt, hoặc người mẹ không hài lòng với người cha, con cái sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên. Trẻ sẽ trưởng thành sớm hơn để chăm lo cho mẹ mình.
Một số trẻ sẽ cố tình làm tổn thương bản thân vì nghĩ rằng điều này sẽ giúp cha mẹ xoa dịu xung đột.
Mặt khác, ngay cả khi người mẹ không tỏ ra bất mãn với người chồng, gia đình như vậy khiến đứa trẻ luôn mặc cảm không muốn tiếp xúc với người khác. Khi lớn lên, trẻ có xu hướng xa lánh cha mình.
Tóm lại, người cha có vai trò rất lớn đối với sự phát triển con cái và cả gia đình. Nếu không làm tròn được trách nhiệm của người cha, con cái sẽ lớn lên trong cảm giác thiếu thốn tình cảm, dần dần chúng sẽ không muốn tiếp xúc với cha mình nữa.