Những năm đầu đời của một đứa trẻ có thể để lại ảnh hưởng lâu dài đến thể chất, kỹ năng xã hội và năng lực cảm xúc trong suốt những năm tháng về sau.
Nghiên cứu của Đại học Harvard phát hiện rằng những trải nghiệm đầu đời có khả năng tác động nhiều đến sức khỏe cũng như thành tích học tập của trẻ. Trong khi những trải nghiệm và môi trường tích cực có thể thiết lập một hành trang “vào đời” đủ vững chắc, thì trải nghiệm không vui hoặc môi trường độc hại rõ ràng tác động bất lợi đến tâm trí.
Có nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển thời thơ ấu của đứa trẻ nhưng yếu tố quan trọng nhất là các mối quan hệ của trẻ, đặc biệt là mối quan hệ với người nuôi dưỡng, sau đó là đến những mối quan hệ khác như anh em, bạn bè.
Thông qua các mối quan hệ, trẻ được khám phá bản thân và thế giới. Khi người đối diện lắng nghe, chuyện trò và vỗ về, trẻ sẽ hiểu mình đang được yêu thương và chở che, từ đó biết cách bộc lộ cảm xúc phù hợp. Khi quan sát người khác, trẻ cũng phát triển được kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Nhiều bố mẹ mải kinh tế, kiếm tiền mà bỏ bẵng đi giai đoạn quan trọng này, nhưng thực sự nó lại quyết định không nhỏ đến tương lai, tính cách của con.
Dưới đây là 3 điều hối tiếc mà phần lớn cha mẹ đã nhận ra khi tuổi thơ của con đã qua:
1. Không dành đủ thời gian chất lượng với trẻ
Tác giả cuốn sách “Làm mẹ không áp lực” cho rằng: Bạn có thể bận việc hoặc tập trung quá nhiều vào công việc hay bạn chỉ vì bạn quá bận rộn với điện thoại, tin nhắn mỗi ngày, mà quên rằng trong gia đình có 1 đứa trẻ đang lớn.
Dù bạn có quan tâm hay không, đứa trẻ vẫn phải lớn lên. Đứa trẻ lớn lên nhưng thiếu đi sự quan tâm, không có đủ thời gian chất lượng với cha mẹ như được trò chuyện, vui chơi, dạy dỗ thì đứa trẻ đó đã mất đi cơ hội được thiết lập một khởi đầu tốt vì gần 90% não bộ của trẻ sẽ hoàn thiện trước 7 tuổi và phần lớn nhận thức và các kỹ năng kiểm soát cảm xúc cũng xảy ra trong giai đoạn này.
Đừng đổ lỗi vì quá bận rộn. Bạn biết không, vị tỉ phú tự thân Carlos Slim, người từng được tổ chức Oxfam, Anh ước tính phải mất 220 năm để tiêu hết số tiền đang có nếu mỗi ngày ông tiêu thả ga 1 triệu đô, đã làm gì mỗi tối? Dù sở hữu hơn 200 công ty đứng đầu ở Châu Mỹ La Tinh, ông luôn dành thời gian mỗi tối đọc sách và chơi với 6 người con. Và khi đã lên chức ông, ông vẫn duy trì thói quen đọc sách này nhưng là với cháu của mình. Với ông: “Gia đình là thứ mà tiền bạc trên thế giới này không thể mua được”.
Thực ra trẻ không cần quá nhiều thời gian của chúng ta. Những nghiên cứu đã cho thấy chỉ ít nhất 10 phút mỗi ngày cha mẹ và trẻ chia sẻ thời gian “chất lượng” cùng nhau sẽ tạo ra một gia đình hạnh phúc và phát triển tình yêu gia đình bền vững. Thời gian chất lượng được tính là thời gian cha mẹ và trẻ cùng chơi, cùng trò chuyện, cùng đi dạo, cùng đọc sách hoặc cùng tham gia một hoạt động nào đó như ăn tối cùng nhau.
Dù là hoạt động nào, chỉ cần là có sự tương tác 2 chiều và không bị chia cắt bởi điện thoại hay thiết bị điện tử đều là thời gian chất lượng được tính. Đôi lúc chúng ta đã vô tình bỏ lỡ mất cơ hội phát triển tốt nhất cho trẻ. Có một câu ngạn ngữ Hà Lan rất hay: “Cha mẹ có thể làm việc cả đời, nhưng con cái chỉ bé bỏng một thời mà thôi”. Điều này để nhắc nhở chúng ta rằng rồi con sẽ lớn, thậm chí lớn rất nhanh, và đôi lúc trong cuộc sống bươn chải này chúng ta đã vô tình bỏ qua những thứ quan trọng với trẻ mà khi bạn muốn làm lại không còn kịp nữa.
2. Luôn “chờ đợi một khoảng thời gian nào đó” mà không phải là hiện tại cùng trẻ
Chúng ta luôn hẹn chờ cho đến khi kinh tế gia đình đỡ hơn, trẻ lớn hơn để đưa con đi chơi, du lịch. Hoặc đợi con lớn thêm một tí để mua 1 bộ quần áo cho vừa cho đẹp. Tâm trí của chúng ta luôn nhìn vào tương lai, mà quên đi rằng đứa trẻ lại cần chính ngay lúc hiện tại này. Mỗi giây phút hiện tại là điều tuyệt vời và đẹp nhất. Bởi vì nếu nó không đẹp và tuyệt vời thì tương lai cũng khó có thể tuyệt vời và đẹp được. Đừng để tâm trí cứ chạy theo sự chờ đợi, mà muốn làm gì cho con thì hãy làm ngay và tận hưởng ngay nụ cười và hạnh phúc của đứa trẻ ngay lúc này.
3. Quá chú trọng đến dạy con làm toán, dạy con học chữ, ngoại ngữ… nhưng bỏ quên dạy con tình cảm và những kỹ năng sống
Sự thật rằng việc giáo dục con trẻ về tình cảm, cách kiểm soát cảm xúc và những kỹ năng sống như biết chia sẻ, biết quản lý tiền, biết làm việc nhà… là những nhân tố quan trọng hơn để giúp trẻ đạt được hạnh phúc và thành công sau này. Và những kỹ năng này trẻ đều sẽ phát triển từ lúc nhỏ. Mất đi cơ hội được dạy những điều này có thể khiến con khó thích nghi và thiếu kỹ năng sống cần thiết khi trưởng thành.